Tiếp tục khủng hoảng Đức- Việt: EVFTA sẽ thông năm… 2019?

Thiền Lâm

clip_image002

Chuyến làm việc mới nhất là của Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh ở Bỉ, nhưng đã chẳng nghe hứa hẹn gì cụ thể từ Liên minh châu Âu về EVFTA. Ảnh: Thời Báo Tài Chính 

Vietnam – Cali Today news – Sau tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2017 ồn ào lẫn khoa trương với sự kiện Hội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng cùng một chiến dịch tuyên truyền “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) sẽ thông qua vào đầu năm 2018”, đến nay cả chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lẫn hệ thống báo đảng đã im bặt.

Sau một chuyến làm việc của Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh ở Bỉ mà chẳng nghe hứa hẹn gì cụ thể, giới chóp bu Việt Nam đành phác ra một dự báo mới: tương lai thông qua EVFTA là vào năm 2019.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Đức- Việt vẫn chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm sau 5 tháng bùng lên.

Ngày 20/12/2017, tại Berlin, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức đã cho thoibao.de – một trang thông tin của người Việt tại Đức – biết: “Ngày 22/9/2017, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức ra thông báo về việc Chính phủ CHLB Đức đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Quyết định này tác động tới Bộ Quốc phòng Đức, liên quan tới các cuộc hội đàm và chuyến thăm từ cấp vụ trưởng, cục trưởng trở lên và kể từ đó cho tới thời gian tiếp theo, các cuộc hội đàm và chuyến thăm như vậy cũng bị đình chỉ”. Điều này có nghĩa rằng, ngoại trừ những dự án cũ và những hợp đồng cũ, Bộ Quốc phòng Đức đã đình chỉ tất cả, không thỏa thuận một dự án nào mới, không ký kết bất cứ một hợp đồng nào mới với Việt Nam.

Cũng theo Thoibao.de, kể từ khi Chính phủ Đức tạm thời đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 9/2017, nhiều cuộc thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục bị hủy bỏ với những ngôn từ rất ngoại giao như “chậm trễ, chờ xác minh…”. Thống đốc một bang lớn của Đức cho biết: “Chúng tôi nhận được thông báo từ Chính phủ Liên bang, tạm thời dừng tất cả các chương trình mới với Việt Nam, nên chuyến đi vào tháng 12.2017 tới TP.HCM để gặp gỡ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, thăm Ngôi nhà Đức và tìm hiểu cơ hội đầu tư ở một số tỉnh của Việt Nam bị hủy bỏ”.

Trong cuộc gặp với một doanh nghiệp lớn của người Việt tại Đức, chuyên tư vấn đầu tư tại Việt Nam trần tình: “Các doanh nghiệp Đức khi bắt đầu dự án đầu tư về Việt Nam thường thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), để họ xét duyệt và cấp khoản tín dụng cho việc thực hiện bước đầu của dự án, nhưng giờ đây quan hệ hai nước trở nên căng thẳng sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin. Ngân hàng cũng dừng cấp tín dụng đầu tư mới ở Việt Nam, các dự án đã được chuẩn bị từ lâu giờ đây không thể triển khai, thiệt hại rất lớn”…

Cũng vào gần cuối tháng 12/2017, đài BBC đưa tin một quan chức trong Bộ Ngoại giao Đức nói với kênh truyền hình Đức Deutsche Welle (DW) rằng Chính phủ Đức đã tạm dừng chế độ cho phép quan chức cao cấp Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao nhập cảnh Đức không cần visa. Tin này đã được bàn thảo trong cộng đồng Việt Nam tại Berlin từ lâu nay nhưng nay là lần đầu tiên đài phát thanh quốc tế DW của Đức xác nhận

Như vậy sau một thời gian kín tiếng đủ lâu mà có lẽ để giữ thể diện cho phía Việt Nam, người Đức đã quyết định tung lên mặt báo chí những biện pháp chế tài thích đáng của mình đối với những kẻ bị họ cáo buộc trong vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.

Còn số phận của EVFTA thì sao

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục ký và bỏ phiếu, phê chuẩn ở nghị viện các nước châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng “mất cả chì lẫn chài”.

Ngay trước mắt, Đức là nước đang có nhiều lý do đủ thuyết phục nhất để bỏ phiếu phủ quyết đối với EVFTA.

Trong khi đó, tình trạng phía Đức vẫn căng thẳng với Việt Nam cho thấy đàm phán Đức- Việt về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” còn kéo dài và sẽ tác động mạnh đến việc kéo dài xem xét EVFTA tại Quốc hội Liên minh châu Âu.

Ngày 14/12/2017 – có thể xem là thời điểm ngay sau khi kết thúc Đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam với kết quả tồi tệ, Quốc hội Liên minh Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp, được thông qua bởi đa số các nghị sĩ trong phiên họp toàn thể nghị viện ở thành phố Strasbourg, lên án chính phủ Việt Nam về các hành động đàn áp tự do thông tin, và yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho toàn bộ các nhà báo công dân. Nghị quyết này cho rằng những hành động sách nhiễu về thể xác và tâm lý cũng như các biện pháp giám sát ngang nhiên và sách nhiễu các luật sư, người thân và người chủ công ty của các bloggers đã vẽ lên một bức tranh đáng lên án ở Việt Nam…

Đáng chú ý, văn bản của Quốc hội EU thể hiện bằng hình thức “nghị quyết khẩn cấp”, tức ở cấp độ quan trọng về quyết tâm cho những yêu cầu và đòi hỏi đối với chính quyền Việt Nam. Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp, Quốc hội EU ban hành nghị quyết về nhân quyền Việt Nam.

Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đã cho thấy châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị “ăn hiếp” bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.

Bây giờ thì ngay cả việc Việt Nam kéo giãn dự báo cho tương lai thông qua EVFTA đến năm 2019 cũng quá khó để khả thi.

T.L.

Nguồn: http://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/tiep-tuc-khung-hoang-duc-viet-evfta-se-thong-nam-2019.html

***

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đại sứ Việt Nam tại Đức lại bị triệu tập lần thứ 3

Hôm 29.12, Bộ Ngoại giao Đức đã mời Đại sứ Đoàn Xuân Hưng của Việt Nam lên chất vấn và thể hiện phản ứng về việc Hà Nội sẽ đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra xét xử vào ngày 8.1 đầu năm tới.

clip_image003

Bộ Ngoại giao Đức đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng vào sáng thứ 6, ngày 29.12.2017.

clip_image004

Nhật báo BZ ở Berlin đăng tin ông Trịnh Xuân Thanh có thể bị 2 án tử hình

Nguồn: https://www.bz-berlin.de/berlin/aus-berlin-verschlepptem-vietnamesen-droht-2-todesstrafe

Nội dung buổi làm việc với Đại sứ Đoàn Xuân Hưng được một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức tiết lộ: “phía Việt Nam đã ý thức được, họ biết phải làm gì để khôi phục mối quan hệ song phương và hồi sinh trở lại quan hệ đối tác chiến lược”. Phát ngôn viên này nói thêm: “Việc xét xử cần tuân thủ theo tiêu chuẩn của một nhà nước pháp quyền, đó là điều căn bản nhất”.

Kể từ khi xảy ra việc mật vụ Việt Nam xâm nhập lãnh thổ Đức để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hôm 23.7, đây là lần thứ 3 vị Đại sứ của Việt Nam tại Đức bị Chính phủ Đức triệu tập lên chất vấn về hành vi, vi phạm pháp luật Đức nặng nề, bất chấp các cam kết quốc tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược, là kết quả mà hai bên đã cố gắng xây dựng trong suốt 40 năm trước đó mới đạt được.

Cũng hôm 29.12, Nhật báo BZ ở Berlin đã loan tải việc ông Trịnh Xuân Thanh có khả năng “bị lĩnh tới 2 án tử hình”, điều này sẽ làm cho quan hệ Đức – Việt trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó quy mô của vụ việc lại xảy ra trên lãnh thổ của nước thành viên khác thuộc châu Âu là Cộng hòa Séc, thì khả năng rất lớn phía Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp phải phản ứng của cả liên minh châu Âu, điều đó chắc chắn làm cho cơ hội thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ngày càng trở nên xa vời.

Sau khi Chính phủ Đức đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam hôm 22.9, thì quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng bước vào một thời kỳ băng giá mới với việc Bộ Quốc phòng Đức cũng đình chỉ mọi tiếp xúc với quân đội Việt Nam từ cấp Cục, Vụ trở lên.

Chính quyền Đức ở các địa phương cũng nhận được chỉ thị từ Chính quyền liên bang ngừng các cuộc tiếp xúc, ký kết hợp tác mới với Việt Nam cho đến khi vụ việc Việt Nam đưa mật vụ xâm nhập lãnh thổ Đức, bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh được giải quyết triệt để trên cơ sở một nhà nước pháp quyền.

Tòa đại sứ Viêt Nam tại Berlin những ngày này cũng trở nên vắng lặng, các cán bộ Sứ quán dường như được lệnh hạn chế ra ngoài tiếp xúc, giao lưu với kiều bào ở đây. Có lẽ cũng vì lý do lo ngại bị tiết lộ thông tin những gì đã thực sự diễn ra tại khuôn viên cơ quan đại diện này vào hôm 23.7, khi ông Trịnh Xuân Thanh bị đưa vào đây để xử lý gây mê, đặt nằm trên cáng thương rời khỏi nước Đức.

Thông tin hôm 20.12.2017 của Bộ Quốc phòng Đức về việc đình chỉ quan hệ với quân đội Việt Nam từ cấp Cục, Vụ trở lên.

Nguyễn Phong – Thoibao.de

đài Deutsche Welle của Đức đưa tin Đại sứ Việt Nam bị triệu tập:

http://www.dw.com/de/aus-berlin-verschwundenem-vietnamesen-droht-zweite-todesstrafe/a-41968875

Người ra lệnh bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của Việt Nam

http://thoibao.de/tin-nuoc-duc/11582/nguoi-ra-lenh-bat-coc-trinh-xuan-thanh-da-tan-pha-kha-nang-phong-thu-cua-viet-nam-.htm

Bộ Quốc phòng Đức đình chỉ hợp tác với Việt Nam sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh

http://thoibao.de/tin-nuoc-duc/11589/bo-quoc-phong-duc-dinh-chi-hop-tac-voi-viet-nam-sau-vu-bat-coc-ong-trinh-xuan-thanh-.htm

Trung tướng Đường Minh Hưng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an đã sang Berlin hôm 16.7 - trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

http://thoibao.de/thong-bao-%26-nhan-tin/11570/trung-tuong-duong-minh-hung---pho-tong-cuc-truong-tong-cuc-an-ninh%252c-bo-cong-an-da-sang-berlin-hom-16.7---truc-tiep-chi-huy-vu-bat-coc-ong-trinh-xuan-thanh..htm

Lên tiếng cho sự thật – Đại sứ Đoàn Xuân Hưng có thể cứu uy tín cho Việt Nam tại Đức

http://thoibao.de/thong-bao-%26-nhan-tin/11463/len-tieng-cho-su-that-%E2%80%93-dai-su-doan-xuan-hung-co-the-cuu-uy-tin-cho-viet-nam-tai-duc-.htm

Nguồn: http://thoibao.de/tin-nuoc-duc/11603/vu-trinh-xuan-thanh%3A-dai-su-viet-nam-tai-duc-lai-bi-trieu-tap-lan-thu-3-.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn