Phải chăng cuộc "chiến tranh pháp lí" trên biển Đông đã mở màn?

TS Trần Công Trục

Đọc bài viết này, cứ ngỡ cuộc "chiến tranh pháp lí" (nếu có) trên biển Đông diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ. Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc hay của Mỹ, ông cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ?

Bauxite Việt Nam

Ngày 10-10-2017, CNN dẫn nguồn tin 2 sĩ quan quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục mang tên lửa USS Chafee của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành chiến dịch "tự do hàng hải" ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trong biển Đông hôm thứ ba 9-10-2017. USS Chafee không tiến vào vùng biển 12 hải lí xung quanh bất kì hòn đảo nào ở Hoàng Sa mà đi vào trong "đường cơ sở thẳng" do Trung Quốc tự vạch ra và chính thức công bố (năm 1996) bao lấy quần đảo này. Các sĩ quan nói rằng hoạt động này là một phần của nỗ lực bền bỉ, lâu dài của Mỹ chống lại "yêu sách biển quá đáng" của Trung Quốc. Mỹ không thừa nhận yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở khu vực này mà cho rằng vùng biển này được coi là vùng biển quốc tế.

Đưa tin về động thái này, ngày 11-10-2017, báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài "Chiến hạm Mỹ phá "đường cơ sở thẳng" phi pháp Trung Quốc yêu sách ở Hoàng Sa". Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc một số thông tin với những nhận định khá chuẩn xác và cô đọng, có tính đến bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong tình hình khu vực và quốc tế đang rất căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, khi tiếp cận các thông tin này, nhiều bạn đọc đã đặt ra một số câu hỏi như sau: "Đường cơ sở thẳng" là gì? Trung Quốc đã công bố hệ thống đường cơ sở thẳng ở quần đảo Hoàng Sa như thế nào? Tại sao tàu USS Chafee khi thực hiện quyền "tự do hàng hải" không hoạt động ở vùng biển nằm trong hay ngoài phạm vi 12 hải lí tính từ bất kì một thực thể địa lí nào của quần đảo? Thay vào đó, chiến hạm Mỹ đã vượt qua "đường cơ sở thẳng" bao lấy toàn bộ quần đảo do Trung Quốc công bố năm 1996 để đi vào vùng biển nằm phía trong hệ thống "đường cơ sở thẳng" này? Nếu như vậy, liệu tàu chiến của Mỹ có vi phạm cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc đối với "vùng nước quần đảo" theo chế độ nội thủy hay không?

Để góp phần làm sáng tỏ những băn khoăn nói trên, chúng tôi xin được cung cấp thêm một số nội dung liên quan như sau:

I. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải:

Để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển (Coastal States) hay của quốc gia quần đảo (Archipelagic States ), UNCLOS 1982 quy định có 2 phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở:

Đường cơ sở thông thường (Điều 5): Trừ khi có quy định trái ngược của Công ước, đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỉ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận.

Đường cơ sở thẳng (Điều 7):

1. Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

2. Ở nơi nào bờ biển cực kì không ổn định do có một châu thổ và những đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn dọc theo ngấn nước triều thấp nhất có chuyển dịch vào phía trong bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc gia ven biển sửa đổi đúng theo Công ước.

3. Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy.

4. Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.

5. Trong những trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng được áp dụng theo khoản 1, khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng.

6. Phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế.

Đường cơ sở của quốc gia quần đảo (Điều 47):

1. Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỉ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỉ lệ số 1/1 và 9/1.

2. Chiều dài của các đường cơ sở này không vượt quá 100 hải lí; tuy nhiên có thể tối đa 3% của tổng số các đường cơ sở bao quanh một quần đảo nào đó có một chiều dài lớn hơn nhưng không quá 125 hải lí.

3. Tuyến các đường cơ sở này không được tách xa rõ rệt đường bao quanh chung của quần đảo.

4. Các đường cơ sở không thể kéo đến hay xuất phát từ các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, trừ trường hợp tại đó có xây đặt các đèn biển hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt biển hoặc trừ trường hợp toàn bộ hay một phần bãi cạn ở cách hòn đảo gần nhất một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải.

5. Một quốc gia quần đảo không được áp dụng phương pháp kẻ các đường cơ sở khiến cho các lãnh hải của một quốc gia khác bị tách rời với biển cả hay với một vùng đặc quyền kinh tế.

6. Nếu một phần của vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo nằm giữa hai mảnh lãnh thổ của một quốc gia kế cận, thì các thuyền và mọi lợi ích chính đáng mà quốc gia kế cận này vẫn được hưởng theo truyền thống ở trong các vùng nước nói trên, cũng như tất cả các quyền nảy sinh từ các điều ước được kí kết giữa hai quốc gia, vẫn tồn tại và vẫn được tôn trọng.

7. Để tính toán tỉ lệ diện tích các vùng nước so với diện tích phần đất đã nêu ở khoản 1, các vùng nước trên trong các bãi đá ngầm bao quanh các đảo và vành đai san hô, cũng như mọi phần của một nền đại dương có sườn dốc đất đứng, hoàn toàn hay gần như hoàn toàn do một chuỗi đảo đá vôi hay một chuỗi các mỏm đá lúc chìm lúc nổi bao quanh, có thể được coi như là một bộ phận của đất.

8. Các đường cơ sở được vạch ra theo đúng điều này phải được ghi trên hải đồ có tỉ lệ thích hợp để xác định được vị trí. Bản kê tọa độ địa lí của các điểm, có ghi rõ hệ thống trắc địa được sử dụng có thể thay thế cho các bản đồ này.

9. Quốc gia quần đảo công bố theo đúng thủ tục các bản đồ hoặc bảng liệt kê tọa độ địa lí và gửi đến Tổng thư kí Liên hợp quốc một bản để lưu chiểu.

Như vậy, nếu chiểu theo các quy định của UNCLOS 1982, "đường cơ sở thẳng" chỉ được thiết lập bởi "quốc gia ven biển" dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa và chiều rộng lãnh hải ven bờ các hải đảo nằm cách bờ biển quá 12 hải lí, kể cả đối với các hải đảo nằm trong một nhóm đảo hay một quần đảo thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, và bởi các "quốc gia quần đảo" dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia quần đảo.

Điều này có nghĩa là đường cơ sở thẳng ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được thiết lập cho từng thực thể địa lí hội đủ tiêu chuẩn của một đảo theo định nghĩa tại Điều 121, UNCLOS 1982.

Mặc dù UNCLOS 1982 đã quy định rõ ràng như vậy nhưng Trung Quốc đã cố tình vận dụng các quy định cho việc thiết lập hệ thống đường cơ sở thẳng của quốc gia quần đảo nêu tại Điều 47 vào việc thiết lập hệ thống "đường cơ sở thẳng" bao lấy toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đã đánh chiếm từ trước năm 1974. Trung Quốc đã công bố hệ thống "đường cơ sở thẳng" này dưới hình thức là một tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, năm 1996. Trung Quốc cũng đã khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục tuyên bố việc thiết lập hệ thống "đường cơ sở thẳng" theo cách này cho quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ gọi là Nam Sa; rồi cả với "Đông Sa", "Trung Sa", cho đủ "Tứ Sa" ở trong biển Đông mà họ nói có "chủ quyền từ thời cổ đại" nhằm "gia cố cơ sở pháp lí cho yêu sách đường 9 đoạn đang bị lung lay tận gốc.

2. Mỹ đã sử dụng "phương tiện chiến tranh pháp lí" nào để "tham chiến"?

Tàu tàu USS Chafee khi thực hiện quyền "tự do hàng hải" không hoạt động ở vùng biển nằm trong hay ngoài phạm vi 12 hải lí tính từ bất kì một thực thể địa lí nào của quần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm này đã vượt  qua "đường cơ sở thẳng" bao lấy toàn bộ quần đảo do Trung Quốc công bố năm 1996 là sự lựa chọn loại "vũ khí chiến tranh pháp lí" hoàn toàn thích hợp, cần thiết và đầy uy lực để "tham chiến" trong "cuộc chiến tranh pháp lí" do Trung Quốc phát động. Bởi vì, như đã trình bày ở trên, hệ thống "đường cơ sở thẳng" mà Trung Quốc thiết lập và công bố là hoàn toàn trái ngược với các quy định của UNCLOS1982.

Chẳng những Mỹ mà hầu hết các quốc gia trong khu vực và quốc tế đều không thể chấp nhận được. Vì nó là yêu sách biển "quá đáng" của Trung Quốc. Nó không những vi phạm thô bạo chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn bất chấp các quy định của UNCLOS 1982. Yêu sách của Trung Quốc gây cản trở  quyền "tự do hàng hải" của tàu thuyền của tất cả các quốc gia có biển và không có biển hoạt động trong phạm vi biển quốc tế được quy định bởi UNCLOS1982, ở Biển Đông.

Đúng như nhận xét của nhà báo Hồng Thủy, tàu USS Chafee đã "phá đường cơ sở thẳng phi pháp" của Trung Quốc thiết lập ở quần đảo Hoàng Sa.

Chiến hạm này "phá hủy" hệ thống "đường cơ sở thẳng" không phải bằng tên lửa vốn được trang bị mà bằng thứ "vũ khí pháp lí" đã được UNCLOS 1982 trang bị.

Phải chăng cuộc "chiến tranh pháp lí" giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Mỹ và các quốc gia có chung các quyền, lợi ích trên biển thật sự đã mở màn?

Chúng tôi mong rằng cuộc chiến này sẽ nhanh chóng được kết thúc và kẻ chiến thắng sẽ thuộc về những ai biết thượng tôn pháp luật, bảo vệ chân lí, lẽ phải, vì các quyền và lợi ích chính đáng của mọi quốc gia, bất kể là giàu, nghèo, mạnh yếu khác nhau…

Tài liệu tham khảo:

[1] http://edition.cnn.com/2017/10/10/politics/us-navy-south-china-sea-freedom-of-navigation-operation/index.html

[2] http://www.scmp.com/news/asia/diplomacy/article/2114810/us-destroyer-sails-near-islands-claimed-china-south-china-sea

[3] http://www.reuters.com/article/us-usa-china-military/exclusive-u-s-warship-sails-near-islands-beijing-claims-in-south-china-sea-u-s-officials-idUSKBN1CF2QG

T.C.T

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Phai-chang-cuoc-chien-tranh-phap-ly-tren-Bien-Dong-da-mo-man-post180373.gd

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn