Nước Mỹ từ Trump, TPP và kinh tế Việt Nam

Phạm Chi Lan

clip_image001

Ảnh: Tễu blog

Cả thế giới những ngày này không ngớt xôn xao về nước Mỹ từ thời kỳ của Donald Trump và tác động đến thế giới, đến khu vực và chính nước mình sẽ ra sao. Trong khi nhiều chính sách khác của Mỹ chưa biết sẽ hình thành như thế nào, thì hôm 21/11 Tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ đã tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cho tới gần đây, Việt Nam kỳ vọng rất nhiều vào hiệp định TPP sẽ được thực hiện để tạo những cú hích trong cải cách và phát triển kinh tế của mình, cũng như trong phát triển quan hệ các mặt, đặc biệt về kinh tế, thương mại với Mỹ.

Trước tình hình mới này, Việt Nam cần suy nghĩ nghiêm túc về các khả năng trong tương lai, và đặc biệt là về việc mình phải làm gì để thích ứng với bối cảnh kinh tế chính trị trên thế giới chắc chắn sẽ khác trước.

Thứ nhất, về cải cách kinh tế. TPP với những chuẩn mực cao được kỳ vọng sẽ tạo động lực và áp lực cho VN trong việc cải cách mạnh thể chế kinh tế. Tuy nhiên, cải cách thể chế trước hết là yêu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, Chiến lược phát triển của VN cho thời kỳ 2011-2020 đều coi cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược. Do vậy, có hay không có TPP thì người VN vẫn phải tự mình chủ động tiến hành công cuộc cải cách này.

Tình trạng sụt giảm tốc độ tăng năng suất lao động, sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và những vấn đề nổi cộm trong mấy năm gần đây đều có nguồn gốc từ thể chế. Để gỡ những nút thắt tăng trưởng và tránh bị tụt hậu xa hơn, người VN biết rõ cần cải cách càng sớm, càng triệt để càng tốt. Động lực, áp lực từ bên trong đối với cải cách đang tăng cao hơn bao giờ hết. VN thấy rõ, qua những cam kết trong TPP, cần cải cách như thế nào để xây dựng một hệ thống thể chế hiện đại, nhằm khắc phục những vấn đề hiện tại và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tương lai.

Hai là, về các nguồn lực cho phát triển. TPP được kỳ vọng sẽ bổ sung cho nền kinh tế còn tương đối nhỏ và thiếu thốn nhiều bề của VN những nguồn lực cần thiết để có thể phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Đó là thị trường hàng hóa và dịch vụ, là dòng vốn đầu tư, là công nghệ, kỹ năng và tri thức, là sự kết nối trong các chuỗi giá trị toàn cầu… TPP tạo nhiều thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn lực đó, nên không có TPP, khả năng tiếp cận các nguồn lực này, đặc biệt từ Mỹ, sẽ khó khăn hơn. VN sẽ phải điều chỉnh những dự định, chiến lược phát triển các sản phẩm của mình cho phù hợp với bối cảnh thay đổi cả về cấu trúc thị trường và điều kiện, phương thức tiếp cận các nguồn lực.

Mặt khác, chính trong bối cảnh này, VN càng cần nhận thức sâu sắc hơn rằng, trong phát triển của mọi quốc gia, nội lực bao giờ cũng là quyết định nhất. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong nước tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực của hệ thống điều hành, VN có thể khơi dậy và khai thác các nguồn lực còn dồi dào ở trong nước để phục vụ cho nhu cầu phát triển. Tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực và tính bền vững.

Hơn nữa, nguyên lý “tài nguyên là hữu hạn, sức sáng tạo là vô hạn” đúng hơn bao giờ hết trong thời đại phát triển của công nghệ, của kinh tế tri thức ngày nay. Tập trung tạo lập các nền tảng cho phát triển nguồn lực con người, nguồn lực tri thức và đổi mới sáng tạo, nguồn vốn xã hội trong nước là việc phải được ưu tiên cao.

Ba là, về hội nhập quốc tế. TPP là quan trọng nhất, nhưng không phải là kênh hội nhập duy nhất của VN. Ngoài TPP, VN còn có FTA với EU, với Liên minh kinh tế Á-Âu, có AEC và ASEAN+6 và một số FTA khác đã ký kết hoặc đang đàm phán. Những hiệp định này bao gồm hầu như tất cả các đối tác kinh tế quan trọng nhất của VN.

Riêng với Mỹ, VN vẫn có BTA và hiệp định “BTA +” được ký trước khi VN gia nhập WTO, làm nền tảng cho quan hệ kinh tế giữa hai bên. Những bước tiến dài và quan trọng đã đạt được trong quan hệ nhiều mặt giữa hai nước trong hơn 20 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ cũng là vốn quý mà hai bên đã chung tay tạo lập. Và trên hết, lợi ích chung giữa hai nước, phù hợp với lợi ích phát triển của cả khu vực, là điều không ai có thể bỏ qua.

Bối cảnh thay đổi đòi hỏi VN phải gắng sức gấp bội để nâng cao khả năng tận dụng tốt nhất các mối quan hệ này, phát huy các động lực FDI và xuất khẩu mà các mối quan hệ này mang lại cho nền kinh tế, và tăng cường nội lực để tham gia hiệu quả hơn các chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuối cùng, về số phận của TPP. Nhiều nước trong và ngoài TPP đang toan tính về TPP với những động cơ khác nhau. Việc Nhật thông qua TPP cho thấy Nhật sẵn sàng cùng các nước bàn bạc, điều chỉnh một số qui định cần thiết để cùng nhau thực hiện một TPP không (hoặc chưa) có Mỹ. Xét lợi ích khi tất cả các nước nếu tham gia có thể có được, điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên, mà đáng hoan nghênh chứ!

P.C.L.

Bài đã đăng trên Vietnam Forbes tháng 12-2016

Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/PChiLan_MyTPPVN_Forbes.htm

Tham khảo thêm:

Mất TPP: Triển vọng phát triển còn tốt lắm?

Lê Dung

clip_image002

Vào “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” diễn ra tại Bắc Ninh vào tháng 11/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra một nhận định và dự báo gây tranh cãi: “Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? Triển vọng phát triển còn tốt lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới nữa thì chúng ta còn có điều kiện phát triển đi lên nữa”.

Phát ngôn trên toát lộ sau sự kiện bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ và ngay sau đó Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ gạt TPP ngay ngày làm việc đầu tiên của ông, còn Quốc hội Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không có cuộc bỏ phiếu nào cho TPP trong năm 2016 này.

Nhiều quốc gia thất vọng, mà đặc biệt là Việt Nam – nước đã bỏ công sức chạy theo đàm phán TPP từ năm 2010 cho đến nay. Thậm chí vào năm trước, Tổng bí thư Trọng còn muốn TPP đến mức ông chấp nhận cam kết với Hoa Kỳ rằng, Việt Nam sẽ từng bước công nhận định chế công đoàn độc lập – điều mà giới lãnh đạo và công an CSVN vẫn luôn nêu cao cảnh giác từ trước đến nay.

Một khi hy vọng TPP đột ngột lụi tàn, bắt đầu xuất hiện những lý lẽ tự an ủi theo cách muôn thuở của giới lãnh đạo CSVN, và được hệ thống tuyên truyền một chiều loan tải: TPP mà không có Việt Nam sẽ không có ý nghĩa gì, Việt Nam sẽ tự phát triển bằng nội lực của mình, Việt Nam vẫn còn đến 17 hiệp định thương mại song phương (FTA) với các nước…

Và gần đây nhất là “Triển vọng phát triển còn tốt lắm” của Tổng bí thư Trọng.

Có thể cảm nhận một nỗi thất vọng siêu hình và sâu xa của ông Trọng cùng giới quan chức dưới trướng ông trước sự việc TPP gần như tan vỡ.

Theo tính toán của một số bộ ngành kinh tế Việt Nam như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, nếu vào dược TPP thì GDP của Việt Nam sẽ tăng đến 25% cho đến năm 2030. Như vậy nếu quả thực không có TPP thì nền kinh tế Việt Nam sẽ mất đúng con số 25% GDP ấy, tương đương khoảng 50 tỷ USD tính theo giá trị GDP năm 2015.

Và người ta cũng không hiểu niềm lạc quan của ông Trọng dựa trên cơ sở nào về điều mà ông gọi là “hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới”, khi hầu hết các hiệp định thương mại này còn khá lâu mới phát huy tác dụng. Còn ngay trước mắt, “thế hệ mới” sau đại hội 12 đang phải đối mặt với ít nhất 25 tỷ USD nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, ít nhất 98% GDP của nợ công. Cùng một nền ngân sách đã eo hẹp đến mức mà trong năm 2016 này, ngay cả công an cũng trở nên lười biếng để “canh theo” giới bất đồng chính kiến như vẫn thường phô diễn vào những năm trước.

Trong khi đó, “thời điểm Minsky” – hạn thanh toán các món nợ đáo hạn – đối với Việt Nam đã bùng nổ từ năm 2014. Chỉ riêng năm 2015, Việt Nam phải trả nợ nước ngoài 20 tỷ USD, còn năm 2016 là ít nhất 12 tỷ USD. Năm 2017 cũng vào khoảng 16-17 tỷ USD, và những năm sau đều thế…

Hoàn toàn không có nguồn lực mới, không hiểu Việt Nam sẽ lấy đâu ra “triển vọng phát triển còn tốt lắm”?

L.D.

(SBTN)

Nguồn: VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn