Nói thật không sợ mất lòng (kỳ 13): “Dân chủ đến thế là cùng”

Sắc Ly

Quốc hiệu của nước ta sau Cách mạng tháng 8/ 1945 thành công đã chỉ rõ mấy mục tiêu cơ bản là: Dân chủ – Cộng hòa – Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Hiểu nôm na là nước Việt Nam do dân làm chủ, dân quyết định mọi việc của đất nước, không còn vua Việt hay quan Tây cai trị, không còn phải làm nô lệ và phụ thuộc nước ngoài, nhân dân được hưởng các quyền Con người phổ quát, không bị cấm đoán vô lý, nhân dân được sống sung sướng về cả vật chất và tinh thần,... Và mục tiêu hiện nay về cơ bản vẫn là thế, thể hiện trong Quốc hiệu mới và trong Mục tiêu tổng quát: Cộng hòa (xã hội chủ nghĩa) – Độc lập – Tự do – Hạnh phúc – Dân chủ, và có thêm Dân giàu – Nước mạnh – Công bằng – Văn minh, tức là muốn bổ sung thêm các yêu cầu: đất nước phải có nội lực mạnh, dân phải giàu lên chứ không nghèo như xưa, không còn bất công xã hội, đời sống cộng đồng phải văn minh về cả vật chất và tinh thần,... Suy ngẫm kỹ nội hàm của các mục tiêu trên thì càng thấy rõ DÂN CHỦ là một đòi hỏi xuyên suốt và cốt lõi nhất của thể chế mới. Mọi người dân Việt chúng ta ai cũng hiểu và kỳ vọng như thế, và đều tin rằng đất nước sẽ khác hẳn thời thực dân, phong kiến trước đây. Và có ai đó đã từng nói “Có Dân Chủ thì sẽ có tất cả!”, có lẽ là một chân lý vĩnh hằng, ít nhất và trước hết là từ thực tiễn Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám - 8/2015, đánh giá 30 năm Đổi mới, và đón nhận kết quả Đại hội (Đại hội) XII của Đảng Cộng sản Việt Nam – 01/2016, nhiều bài viết trên các diễn đàn đã nhìn nhận lại sự chuyển biến của các mục tiêu nói trên. Ý kiến đưa ra còn nhiều điểm chưa tương đồng, thậm chí còn trái ngược nhau. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin nêu đôi nét về hai mục tiêu Dân Chủ Công Bằng, nhằm làm sáng tỏ thêm những ý kiến còn trái chiều nói trên, theo quan điểm của các cá nhân hoặc các nhóm người trong cộng đồng dân cư Việt.

Trong các phát biểu của Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XII, người dân và báo chí đều nhận ra có nhiều ý kiến khác lạ, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là hai ý kiến đánh giá về kết quả của Đại hội. Đánh giá kết quả chung thì TBT nói “Đại hội đã thành công rất tốt đẹp!”. Đánh giá về phương thức tiến hành và kết quả trong khâu nhân sự, TBT lại nói “Dân Chủ đến thế là cùng!”. Rất nhiều người dân Việt ta nghe xong chỉ cười khẩy, chép miệng và lắc đầu!

1- Trước hết, chúng tôi xin được nêu lại đôi điều thu nhận của người dân về ý kiến thứ hai của TBT:

Không cần phải nghĩ lâu, ai cũng hiểu TBT muốn nói đây là cách làm dân chủ nhất trong Đại hội, không còn biểu hiện dân chủ nào cao hơn thế nữa đâu! Và chắc chắn là TBT muốn nhân đây, nhắc chúng ta còn phải hiểu thêm một thông điệp ngầm nữa, với tầm khái quát hơn, là: mọi việc trong đất nước này đều là như thế, dưới sự lãnh đạo của Đảng thì luôn là như thế, nghĩa là Tốt ở mức “tuyệt vời”, và thậm chí “trên cả tuyệt vời”!

Cứ cho là TBT luôn nói đúng, nên những người dân “ngu”, trong đó có cả những đảng viên “ngu”, chúng tôi xin hỏi lại TBT:

- TBT có ý kiến gì phản bác lại những phê phán của các đảng viên lão thành (cỡ như cụ Nguyễn Trọng Vĩnh chẳng hạn), của các chuyên gia về Xây dựng Đảng, về tổ chức bộ máy quản lý xã hội, của rất nhiều trí thức tên tuổi, của báo chí nước ngoài, của đông đảo người dân,..., thể hiện rất phong phú trên các loại diễn đàn, trước hiện tượng nói trên ở Đại hội XII, cũng như ở rất nhiều các sinh hoạt nội bộ Đảng và đời sống xã hội? Dư luận chung đã phê phán cách hành xử lâu nay của Đảng, không chỉ riêng trong Đại hội này, là mất dân chủ nghiêm trọng, là vi phạm chính ngay cả Điều lệ Đảng, là không tôn trọng Quyền Công dân, Quyền Con người,... mà về bản chất chỉ là những thủ đoạn chính trị thấp hèn, dưới tầm trí tuệ của con người, nhằm bóp nghẹt dân chủ, củng cố quyền lực!

- Ở đất nước Việt Nam này hơn 70 năm nay, ai cũng biết việc Đảng là việc Nước, vì Đảng là tổ chức chính trị đang độc quyền lãnh đạo đất nước mà. Vậy nên không thể có cái lý sự cùn “Việc ấy là việc của Đảng”, “Việc ấy đã có Đảng lo, dân không cần biết”! Thể chế chính trị mà Đảng mang lại cho đất nước, như TBT nói, là “dân chủ đến thế là cùng” rồi, là dân chủ nhất so với thế giới rồi mà. Thế thì sao Dân không có chút quyền gì trong việc lựa chọn, hoạch định đường lối chính sách, trong việc lựa chọn người lãnh đạo, quản lý mình, thậm chí Dân còn không được biết cả những việc đụng chạm đến lợi ích và quyền của mình nữa!? TBT và Đảng của ông luôn nhắc đi nhắc lại là: Nhân dân đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước, đã giao phó cho Đảng sứ mạng thiêng liêng và nặng nề đó! Nhân dân đã lựa chọn con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH)!... Xin hỏi TBT và Đảng của ông: Sự giao phó, sự lựa chọn quan trọng này đã diễn ra khi nào, bằng nói mồm hay bằng văn bản, ai đại diện cho Dân để nói hoặc ký truyền giao sự chọn lựa đó, sao lại không thông qua một cuộc Trưng Cầu Ý Dân đích thực, đúng nghĩa? Hay chỉ do các ông tự nhận lấy một cách áp đặt và trơ tráo? Cán bộ Đảng của ông nói với Dân là Đảng đã nhiều lần tổ chức cho Dân góp ý xây dựng đấy chứ, chẳng hạn với Hiến pháp 2013, với Văn kiện Đại hội Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ,... Ôi! sao các ông nói bừa như thế mà không biết ngượng à? Những việc làm rất hình thức ấy sao lại được gọi là xin ý kiến Dân, và càng không thể coi là Trưng cầu Dân ý như thế giới đã làm. Nội dung thì áp đặt, xuôi chiều, cách thức tổ chức thì độc đoán, khiên cưỡng, không minh bạch công khai, không dám công bố các ý kiến trái chiều, bưng bít và biến báo thông tin cùng các số liệu thống kê, ...! Và qua báo cáo tổng hợp sự tiếp thu để chỉnh sửa văn bản dự thảo thì Dân thấy rõ là mình đã bị lừa, Đảng có chịu nghe ý của Dân đâu mà góp!

Nếu Dân được lựa chọn thì không bao giờ Dân chọn cái bóng ma mờ ảo CNXH, mà ngay TBT cũng chưa hình dung rõ và chưa biết đến bao giờ nó hiện ra hình hài thật, không bao giờ Dân chọn cái thể chế xã hội mà càng đi theo lâu ngày càng thấy mất hút các mục tiêu đẹp đẽ đã được hứa hẹn, như vừa nhắc lại ở trên!

Nếu Dân được Biết và được bàn về những việc đụng chạm đến mình thì làm gì Việt Nam lại có quá nhiều các vụ khiếu kiện đông người và kéo dài như lâu nay!

Nếu Dân được quyền lựa chọn nhân sự cho đất nước thì Dân không bao giờ cử ra những con sâu mọt, đã hiện hình hoặc còn giấu mặt, để dẫn dắt, lãnh đạo mình. Dân rất tinh tường nên không thể nhầm lẫn lựa chọn các phần tử cơ hội, thoái hóa làm quan chức lãnh đạo, quản lý đất nước. Cứ nhìn lại một lượt mà xem chất lượng đội ngũ lãnh đạo đã được Đại hội Đảng các cấp bầu ra, kể cả khóa này, từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở, hầu hết đều là loại người cơ hội, tham lam (tham quyền lực, tham tiền tài), là loại người thiếu nhân cách (theo cách hiểu của cụ Hồ, bao gồm Đức và Tài), không đủ Tầm, thiếu cái Tâm để làm việc cho Dân cho Nước, như Dân luôn kỳ vọng đâu. Dân bao giờ cũng nói đúng và nói thật, đã nói là cấm có sai, bởi sự thật đã rành rành ra đó, là rất thối nát, thối nát “đến thế là cùng”, ai mà chẳng thấy! Đảng bây giờ là như vậy đấy, thì làm sao còn xứng đáng để gánh vác cái trọng trách như TBT luôn rêu rao tự vơ vào, tự nhận lấy để độc quyền chiếm giữ?

- TBT cho là “dân chủ đến thế là cùng” thì tại sao Đảng lại đưa ra các quy định quái gở trong lựa chọn nhân sự. Như, Đảng cho vào mới được vào, cho ra mới được ra (Đảng giới thiệu mới được ứng cử, Đảng đồng ý cho rút mới được rút khỏi danh sách ứng viên)? Như, tỷ lệ đảng viên trong cơ cấu ứng viên để bầu cử vào các cơ quan dân cử, phải là cao áp đảo? Như, cứ phải là “Đảng cử dân bầu” mới là chuẩn, là đúng “phép tắc” đã định hình? Như, cứ phải thực hiện đúng quy trình hiệp thương trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử? Như, cứ phải là cấp ủy Đảng thì mới được cất nhắc vào các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước, quản lý xã hội, kể từ cấp dưới cơ sở? ... ...

TBT ạ, có hai điều chúng tôi xin nhắc nhở ở đây với ông và Đảng của ông là: Trình độ Dân trí hiện nay đã khác xưa lắm rồi, nên Đảng không thể cứ nói sai, nói bừa, nói dối sao cũng được đâu, ngay Dân thường và đảng viên thường họ đều biết cả đấy, chỉ có điều là họ chưa có chỗ để nói, để phản bác lại mà thôi. Điều thứ hai là đảng viên hiện nay đâu có phải đều là những người tốt cả, được Dân tin yêu, mà ngược lại đa phần đều cơ hội hoặc hư hỏng, thế thì chọn người ưu tú để gánh vác việc nước sao lại chỉ được phép chọn đảng viên?

- Nhận thức được vai trò của mục tiêu động lực Dân chủ đối với sự phát triển xã hội là biểu hiện của một tầm Trí tuệ cao. Sự thông tuệ, minh triết này chỉ có thể đạt được trên cơ sở một cơ chế Tự do tư tưởng thông thoáng thực sự. Chắc chắn TBT biết rõ cái lô gích này, thế thì tại sao các ông lại sợ Tự do tư tưởng, lại chỉ đạo hoặc cho phép cấp dưới thực thi những biện pháp đối phó rất bậy bạ, rất lưu manh, côn đồ, vô văn hóa và phi pháp, nhằm bóp nghẹt tự do tư tưởng, ngay từ trong nội bộ Đảng cho đến ngoài xã hội? Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay thì sự bất đồng quan điểm, ý kiến khác nhau, là chuyện rất bình thường và cần phải có, để thúc đẩy tư duy phản biện của một xã hội văn minh. Thế mà từ trong Đảng, những đảng viên không đồng quan điểm với cấp ủy, với trung ương đều bị cảnh giác, bị cô lập, thậm chí bị trù dập, kỷ luật – thay vì phải tổ chức đối thoại dân chủ để tìm ra tiếng nói chung, để khẳng định chân lý? Sự đối phó cực đoan khó hiểu đó, ở mức nhẹ là tìm cách vô hiệu hóa ý kiến phản biện của họ, bằng cách viện ra nguyên tắc Tập trung - Dân chủ (chẳng hạn, việc này cấp ủy đã bàn và có nghị quyết, không thể thay đổi; hoặc đây là chủ trương của Bộ Chính trị, chúng ta cứ thế mà làm!).

Còn ở ngoài xã hội thì thái độ của Đảng cũng rất căng thẳng, luôn coi những người bất đồng chính kiến là “thế lực thù địch”, có “âm mưu chống phá”, nên ghét bỏ ra mặt đối với họ, luôn bố trí canh chừng, theo dõi, gây khó dễ trong sinh hoạt, hạn chế quyền công dân của họ một cách vô lý, phi pháp, thậm chí còn bắt bớ họ tùy tiện, không cần chứng cứ...! Mà phải nói ngay rằng tất cả những người có quan điểm khác với Đảng đều là những người có chữ nghĩa, rất tâm huyết với đất nước, luôn nói đúng và biết đấu tranh bảo vệ cái đúng đó bằng thái độ ôn hòa, xây dựng, đúng pháp luật! ... Đảng của ông làm bậy như thế mà dám gọi là “Dân chủ đến thế là cùng” à, thưa TBT!

- TBT cho là “Dân chủ đến thế là cùng” vì mọi việc lớn nhỏ của Dân của Nước đều do cơ quan quyền lực dân cử (Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp) định đoạt cả, Đảng lãnh đạo nên chỉ giữ vai trò định hướng thôi mà. Đó là lối ngụy biện trơ tráo của Đảng nhằm che đậy sự tiếm quyền của Dân. Sự thật hơn 70 năm nay ai mà chả biết, Đảng nắm giữ tất cả quyền lực, tự đặt mình cao hơn cơ quan quyền lực của Dân ở các cấp, mọi việc bàn ở Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp chỉ là hình thức, vì các nội dung đó đã được quyết xong xuôi bởi cấp ủy Đảng rồi. Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp chẳng qua chỉ là “bù nhìn”, được coi là “cây cảnh” để trang điểm cho bộ mặt dân chủ mà Đảng tự vẽ ra cho mình mà thôi! Đi liền theo đó là cái trò giả hiệu dân chủ khác, luôn đề cao cả hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Nhưng trong thực tế thì Đảng lại chỉ luôn coi trọng và thực thi hình thức dân chủ đại diện. Bởi Đảng có rất nhiều mưu mẹo để khống chế, chi phối các đại diện của Dân trong các tổ chức đại diện này (rõ nhất là ở Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp). Ví dụ từ quy định đảng viên trong các tổ chức này phải luôn chiếm tỷ lệ áp đảo, từ quy định của điều lệ Đảng và 19 điều cấm đối với đảng viên (trong đó có điều cấm đảng viên nói và làm trái nghị quyết của Đảng) mà tạo ra sự ràng buộc trong nói và làm của đại biểu là đảng viên, và vô hình trung đã làm yếu hẳn hoặc mất đi cả quyền dân chủ đại diện lẫn quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên thường và người dân!

- Và, trớ trêu nhất, mỉa mai nhất, là chuyện các ông “treo đầu dê, bán thịt chó” mà không hề biết ngượng! Trên đầu các ông luôn treo trang trọng lá cờ có hai hình ảnh Búa và Liềm, biểu tượng cho linh hồn của các ông, lý tưởng của các ông hằng tôn thờ, tượng trưng cho vai trò của hai giai cấp cơ bản nhất của cách mạng vô sản, và thể chế XHCN. Hai giai cấp ấy đã từng đóng góp công sức và xương máu để bảo vệ và xây dựng đất nước, để giúp các ông nắm chặt quyền lực cai trị đất nước. Đáng nhẽ họ phải được thụ hưởng quyền Dân chủ trước nhất và cao nhất. Thế nhưng qua hơn 70 năm nay các ông đã phản bội họ, bằng việc thực tế đã hạ gục họ đến tận đáy cùng của xã hội mới. Họ đã bị các ông bần cùng hóa về kinh tế và vô hiệu hóa về chính trị. Bây giờ hai giai cấp này vẫn chỉ là người làm thuê cho các ông và nước ngoài, vẫn nghèo khổ nhất và yếu thế nhất đấy! “Dân chủ đến thế là cùng” à, thưa TBT? ... ...

Thế đấy, diện mạo thật của cái “Dân chủ đến thế là cùng” mà TBT Trọng ca ngợi hóa ra lại là như vậy! Trong khi đó thì TBT và Đảng của ông vẫn cố tình từ chối sự có mặt của các nhân tố cốt lõi của một nền Dân chủ thực sự cho đất nước, đó là Xã hội dân sự và Nhà nước pháp quyền đích thực, bên cạnh nền kinh tế thị trường đầy đủ và lành mạnh! Chứ không phải như các khái niệm mù mờ mà các ông vẫn nói “Nhà nước pháp quyền XHCN”, “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” ,... Và, một lần nữa Dân Việt ta lại phải ngao ngán xem thêm một màn diễn hài chính trị ngô nghê, và lố lăng!

2- Cùng tiếp tục xem xét các mục tiêu khác theo cách tiếp cận vấn đề nghiêm túc như ở phần trên (trung thực, khoa học), chúng ta sẽ càng nhìn rõ hơn thực trạng đất nước, sau 70 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vẫn với lô gích của thực tiễn là “Có Dân Chủ thì sẽ có tất cả!”, chúng ta cũng sẽ không ngạc nhiên khi nhìn ra sự chuyển biến giật lùi của các mục tiêu khác. Không hiểu với các mục tiêu này thì TBT và Đảng của ông có muốn lặp lại cái điệp khúc “đến thế là cùng” nữa không, mà sẽ là “Tuyệt vời đến thế là cùng” hay “Tệ hại đến thế là cùng” đây?

Và như trên đã thưa trước, do khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ xin điểm thêm vài nét về mục tiêu Công Bằng. Và chắc chắn là, nếu Dân chủ đã đen tối thảm hại thì Công bằng cũng mờ mịt và bế tắc!

Nổi lên rõ nhất là bức tranh Giàu – Nghèo, là sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển, ... là sự bất công về thu nhập, về mức sống, về quyền và lợi ích, ... Sau 70 năm đi theo Đảng, tưởng rằng sẽ xóa đi được cái nghịch cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra!”, thì bây giờ sự khác biệt ấy lại càng nặng nề hơn, khắc nghiệt hơn! Hàng triệu gia đình nông dân nghèo chờ mãi mà vẫn chưa đến lượt được Đổi Đời. Nhiều triệu người nghèo vẫn không thoát nổi kiếp làm thuê, ăn đong ở đợ, ăn đói mặc rách, nhà cửa sập sệ, túng thiếu quanh năm! Rất nhiều trẻ em không được đi học! Rất nhiều người nghèo không được chữa bệnh! Ngày càng xuất hiện rất nhiều người vô gia cư! ... Đời sống của những người thợ - công nhân, cũng trong hoàn cảnh bi đát, với đồng lương thấp không đủ nuôi mình và nuôi con, luôn bị đe dọa bởi thất nghiệp, quyền lợi không được bảo vệ, tiếng nói không được tôn trọng, ...! Riêng với nông dân lại còn luôn thấp thỏm lo sợ nạn bị cướp đất do bọn cường hào mới gây ra! Hai giai cấp cơ bản của xã hội là công nhân và nông dân bây giờ lại là giai tầng nghèo khổ nhất và yếu thế nhất!...

Chúng ta hãy xem các thông tin và số liệu sau đây thì sẽ rõ hơn về thực trạng của mục tiêu Công Bằng ở Việt Nam:

- Về tỷ lệ chênh lệch Giàu (G) – Nghèo (Ng): Theo số liệu thống kê năm 2014 cho biết: Nếu lấy 20% dân số là người G, đang chiếm hữu 54,4% tổng thu nhập toàn quốc, so với 20% dân số là người Ng, chỉ chiếm hữu 4,7% tổng thu nhập toàn quốc, thì tỷ lệ chênh lệch là 11,6 lần. Còn theo số liệu trước đó nhiều năm, nếu lấy 1% dân cư G nhất (họ đã chiếm 41% tổng tài sản quốc gia) so với 1% dân cư Ng nhất, thì tỷ lệ chênh lệch là gấp hơn 30 lần! Và chắc đến bây giờ còn cao lên rất nhiều nữa!

- Ngay trong nông dân thì sự phân cách G – Ng cũng đã rất khác trước: trước đổi mới tỷ lệ chênh lệch là 3,5 lần, đầu đổi mới là 5,6 lần, và hiện nay sau 30 năm đổi mới là 10,2 lần. Sự chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị cũng là một thông số đáng quan tâm và cần nghiên cứu, nhưng hiện nay vẫn chưa có số liệu khảo sát chính thức.

- Tỷ lệ chênh lệch G – Ng hiện nay thường được tính theo Mức sống, bao gồm ba tham số chính về: thu nhập, chi tiêu ngoài ăn uống, và giá trị tài sản tại nơi ở chính.

- Thành phần của các nhóm dân cư được phân định như sau: Người G bao gồm: lãnh đạo, quản lý, doanh nhân, chuyên gia có cuyên môn cao. Người Ng bao gồm: lao động không chuyên, lao động phổ thông và nông dân. Nhóm người ở giữa (tạm gọi là trung bình – TB) bao gồm: nhân viên, công nhân (một bộ phận), người buôn bán nhỏ, người làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay mô hình cơ cấu G – TB – Ng của chúng ta là hình tháp, trên rất nhỏ và dưới rất to. Đó là một mô hình phản tiến bộ. Xu hướng phổ biến của thế giới hiện nay là mô hình quả trám, với hai đầu nhỏ, và phình to ở giữa, nhưng vẫn chưa được coi là mô hình lý tưởng!

- Điều trớ trêu và xót xa là giai tầng chủ lực và chủ công sinh ra cái tháp bất công nói trên, và đóng vai trò chủ thể của nạn áp bức và bóc lột với người nghèo ở Việt Nam lại chính là các quan chức lãnh đạo, quản lý các cấp, kể từ cấp cao nhất, mà hầu hết là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam! Họ vừa là người G bất chính, lại vừa là kẻ bợ đỡ, liên minh với giới nhà G bất chính trong xã hội mới!

- Nông dân hiện nay đang được coi là tầng lớp cư dân khổ nhất và yếu thế nhất. Hình như ai đó đã công khai phát biểu tại diễn đàn Đại hội XII, với đại ý là: tuy đông nhất, đã có đóng góp lớn nhất, đã chịu nhiều hy sinh nhất, ... nhưng hiện nay nông dân lại vẫn nghèo nhất, được thụ hưởng ít nhất từ đổi mới và hội nhập, nên đang có nhiều bức xúc nhất, ...!

- Về số liệu Đói Nghèo của Việt Nam: Theo chuẩn Ng mới cho giai đoạn 2011 – 2015 của Việt Nam thì năm 2012 còn 9,6% số hộ Ng và 6,6% số hộ cận Ng, đến năm 2013 còn 7,8% số hộ Ng và 6,3% số hộ cận Ng. Tỷ lệ đó tương ứng với khoảng hơn 2 triệu hộ Ng và gần 1,5 triệu hộ cận Ng (trong tổng số hơn 22 triệu hộ dân cả nước). Phần lớn các hộ Ng và cận Ng đều nằm ở địa bàn nông thôn và miền núi, đặc biệt là hộ dân tộc thiểu số. Hiện nay vẫn còn huyện có tỷ lệ hộ Ng rất cao, đến hơn 50%. Và điều đáng quan tâm nữa là chúng ta hãy còn không ít hộ Ng cùng cực và hộ Đói!

- Một điều lạ lùng và khó hiểu là cho đến nay vẫn không có ai lý giải nổi Nguyên Nhân của Nghèo Đói, của bất công xã hội ở Việt Nam, không chỉ ra được ai phải chịu trách nhiệm về vấn nạn này, mặc dù trong bộ máy của Đảng và Nhà nước có thừa mứa các tiến sĩ, giáo sư thuộc đủ các chuyên ngành khoa học! Họ toàn nói vòng vo, chung chung và né tránh nguyên nhân đích thực! Chẳng hạn, họ nói nguyên nhân chủ yếu là do thiếu Vốn, thiếu Kiến thức, do Rủi Ro, do Tệ nạn xã hội?! Cũng có người nêu các nguyên nhân khác như: thất bại của các chính sách, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, quản lý yếu kém của chính quyền, ... nhưng lại chỉ cho đó là nguyên nhân phụ! ... Vì không chỉ ra đúng nguyên nhân nên không có giải pháp căn cơ và hữu hiệu cho nhiệm vụ chống đói nghèo và bất công xã hội. Tất cả những biện pháp đưa ra và thực thi chỉ là cách đối phó, chỉ có tác dụng nhất thời, kiểu như “chữa cháy”, “ngắt ngọn”, ... nên không thể thu được kết quả bền vững, vừa thoát Ng xong lại nhanh chóng tái Ng! Và bất công xã hội cứ thế mà ngày càng nặng nề thêm! Đã có chuyên gia khẳng định: Bất công xã hội là hiện tượng muôn đời và phổ biến trên thế giới, không thể xóa bỏ?! Và hơn thế, chính đó lại tạo ra động lực phát triển cho đời sống nhân loại, nên cần duy trì!? Vậy thì lại xin hỏi TBT: Đảng của các ông đặt ra mục tiêu Công bằng để làm gì nữa, có thật lòng không, phấn đấu đến ngưỡng nào thì được coi là đạt?

... ... ...

Ngày Xuân thứ 71 của đất nước đi theo Đảng, ngẫm chuyện “Đến thế là cùng” của TBT mà lòng đau thắt một nỗi buồn không thể nào nguôi, một nỗi lo không thể nào dứt, và một sự xấu hổ không thể che lại được! ... ...

Ngày mồng 5 Tết Bính Thân – 2016

S. L.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn