HẾT “MÙI” TỚI “THÂN”.

Trịnh Khả Nguyên

Bây giờ thì không phải là thời của Ất Mùi (Dê) nữa mà là thời của Bính Thân (Khỉ).

Chữ “Mùi, Thân”chẳng liên quan gì với “dê, khỉ”, nhưng những năm Mùi, năm Thân như Kỷ Mùi (1979), Mậu Thân (1968)... đều gọi chung là năm “Dê ” năm“ Khỉ”. Ai hợp với Mùi, vừa qua làm ăn phát đạt, luyến tiếc năm cũ. Ai hợp Thân thì hy vọng năm nay. Ai không hợp cả Mùi, Thân thì Dê cũng như Khỉ, mong gì mà mong. Năm nay, Bính Thân, không biết lành dữ thế nào nhưng nghe “thân, thân khỉ, khỉ” thì có kẻ chẳng mấy thích, như câu “người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi /Mà em thì lại ngậm ngùi tuổi Thân”.

Trong cơ quan, đơn vị cũng vậy, khi có sự chuyển quyền từ xếp A sang xếp B các nhân viên hay theo dõi. Những ai thuộc nhóm của chủ mới thì phấn khởi, ai thuộc “đệ” của chủ cũ thì... chờ xem…, còn mấy anh “không thuộc phe nào thì “kệ”, A hay B thì cũng một cốt một đồng thôi.

Năm này cũng như các năm khác, nhiều người thức đón giao thừa, giờ phút chuyển giao từ “Dê” qua “Khỉ”. Họ ngồi nghe nhạc xuân, xem các “live show”, đặc biệt họ chờ mục “Sớ Táo quân”, bởi mục này vui vui. Vừa rồi, đất nước có nhiều sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên ngoài các Táo quen: giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, lẽ ra nên có Táo Hoàng Sa, Táo Trường Sa, Táo Đại hội, Táo TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – một hiệp định kinh tế rất lớn, có Việt Nam tham gia). Vì là có nhiều đài truyền hình, cho nên cùng là “Sớ Táo quân” nhưng có những kịch bản, dàn dựng, trình diễn khác nhau. Tấu sớ là “hài” hay “hề”, dù gọi là gì, cũng là đóng kịch vui. Một vở diễn dù dàn dựng công phu, bài bản, diễn xuất lớp lang hoành tráng đến mấy cũng chỉ là kịch. Có người thích hài theo phong cách Bắc, có người thích hề theo kiểu Nam. Tùy, không nên nói (hề) miền nào hơn (hề) miền nào, hề cả mà. Đó là chưa nói tới chuyện nhiều khi nhạt nhẽo, chưa xem đã biết, hoặc (bị) xem hoài, chán quá trời!

*

Ngày 15.02.2016 (mùng 8 tháng giêng Bính Thân) được tin, một phụ nữ (gốc) Việt bà Jacqueline Nguyễn được đề cử giữ chức Chánh án tối cao của Tòa án Liên bang Mỹ, thay ông Chánh án (có tư tưởng bảo thủ) vừa mới chết.

clip_image001[1]

Nữ thẩm phán Jacqueline Nguyen. Ảnh: Diacritics

Bà Jacqueline Nguyễn là một trong các ứng viên Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể cân nhắc lựa chọn cho vị trí Thẩm phán tối cao Mỹ, sau khi ông Antonin Scalia qua đời, theo Reuters.

Báo Đất Việt viết: “Sau khi ông Antonin Scalia, Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ qua đời ở tuổi 79, bà Jacqueline Nguyen, một phụ nữ gốc Việt được coi là một trong những ứng viên tiềm năng có thể được xem xét để lựa chọn thay thế.

Bà Jacqueline Nguyễn Thị Hồng Ngọc sinh năm 1965 tại Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam. Bà cùng gia đình chuyển đến Mỹ sinh sống khi mới 10 tuổi. Năm 1987, bà tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại trường Cao đẳng Occidental. Bốn năm sau, bà tiếp tục đạt được bằng cử nhân luật tại Trường Luật UCLA.

Từ năm 1991 đến năm 1995, bà Jacqueline Nguyễn làm việc tại công ty luật Musick, Peeler & Garrett, chuyên giải quyết các vụ việc kiện tụng dân sự...”.

Ai muốn biết thêm xin đọc các báo Pháp Luật, Nông Thôn, VNEXPRESS... Còn bài này không viết về chuyện trên, không viết để ca ngợi một nữ thẩm phán (gốc Việt) dù rằng người đó rất đáng ca ngợi. Bởi người viết không biết giáp ất gì về vị thẩm phán Jacqueline Nguyễn, và nếu có ca ngợi bà thì cũng chỉ là “khen phò mã tốt áo”, không cần thiết. Lại nữa, đây không phải là người Việt duy nhất, đầu tiên thành danh ở nước ngoài.

Hồi trước dân ta học chữ Tàu, nhiều người Việt Nam đã làm cho “bạn” phải nể nang tài văn thơ, đối đáp. Ngày nay, trong chính trường có người Việt Nam làm Phó Thủ tướng Đức, có người là Nghị viên, Hạ nghị sĩ Úc. Trong lĩnh vực khoa học có những vị vừa là khoa bảng vừa là nhà nghiên cứu nổi tiếng.Trong văn học, luật học, nghệ thuật thì người Việt du học, nhiều vị đỗ các bằng cấp rất cao tại những đại học nổi tiếng thế giới mà những trí thức nước sở tại phải phục. Trong làm ăn, nhiều người Việt rất thành đạt. Sơ lược vậy, không thể kể hết cụ thể từng trường hợp, từng vị. Những vị này đã làm rạng rỡ đất nước, đất nước cũng hãnh diện khi có những người con như thế, nhưng rồi cũng chỉ hãnh diện một nửa, chỉ hãnh diện vì các người đó có “gốc Việt”. Đất nước chỉ hưởng tiếng, không hưởng miếng, vì hầu hết đang “an vị” tại ngoại quốc.

Bà Jacqueline Nguyễn, chắc chắn là “number one” về lãnh vực pháp luật, pháp lý. Nhân chuyện này, nhớ lại rằng Việt Nam thừa nhận nền tư pháp còn nhiều bất cập như: xử án còn oan sai, các văn bản, nghị định, sắc luật, thông tư của các bộ ngành còn chồng chéo nhau, thậm chí là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mới đây, 17.2.2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xin dời lui ngày thông qua “Luật Biểu tình”, để có thời gian hoàn chỉnh. Không biết Luật Biểu tình đã được soạn như thế nào và “mắc mứu” chuyện gì mà hoãn tới hoãn lui mãi. Lần này thì, đến nỗi, ông Chủ tịch Quốc hội cho rằng như vậy là thiếu nghiêm túc (mà có gì nghiêm túc đâu), xin đọc bài này: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/chu-tich-quoc-hoi-xin-lui-luat-bieu-tinh-la-thieu-nghiem-tuc-2016021712355227.htm

Bây giờ hỏi, nếu bà Jacqueline Nguyễn về nước thì liệu có được tin dùng? Có người bảo “OK”. Bởi, thường khi tiếp các quan chức nước ngoài, đặc biệt là Âu Mỹ, Việt Nam hay nhờ họ giúp đỡ, tư vấn về giáo dục, kinh tế, pháp luật, phòng chống tham nhũng. Như thế, bà Nguyễn ở vào vị trí trên thì có gì là không tốt? Ngược lại, có người bảo “NO” vì, chắc bà không học môn “Pháp chế xã hội chủ nghĩa”, “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, bà học một nơi làm một nẻo, khác nào bắt cá nước mặn về trong nước ngọt. Chẳng được đâu. Về cũng như không. Đã có nhiều người Việt đỗ các bằng cấp rất cao tại các trường ngoại quốc danh tiếng, họ tình nguyện về nước phục vụ, nhưng giấc mơ phục vụ không thành. Có vị đành “rửa tay gác kiếm”, có vị lại phải khăn gói quả mướp ra đi. Các vị vẫn là Việt kiều yêu nước, “khúc ruột ngàn dặm”.

Hiện nay Việt Nam xếp thứ 9 trên thế giới về số du học sinh tại Mỹ, có 19.000 người (theo VOV, Báo Mới ngày 19.2.2016 dẫn lại). Thành thật mà nói, trong số đó cũng có nhiều người học thực, học giỏi, sẽ thành danh này nọ, đạt được những giải thưởng lớn quốc tế. Nhưng quan trọng là bao nhiêu người sẽ trở về. 13 quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” sau khi du học xong thì 12 người ở lại nước ngoài?!

Những nước nghèo cần người tài giỏi và tiền của để phát triển, có lẽ cần người tài hơn cả tiền của vì một số nước không có “rừng vàng biển bạc”, không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng nhờ có người tài mà họ đã phát triển. Một số nước, họ không có công sinh mà có công dưỡng, và biết dùng người giỏi bất kể người đó có “lý lịch” gốc gác như thế nào. Nước Đức đã dùng một người Việt làm Phó Thủ tướng, chọn một người Đông Đức làm Thủ tướng. Nước Mỹ định bổ nhiệm một người gốc Việt làm Thẩm phán, cách đây 8 năm bầu một người gốc Keynia làm Tổng thống. “Liều” thật. Họ không vòng vòng trong mấy con giáp, cứ hết “Chuột” tới “Trâu”, hết “ Mùi” tới “Thân”.

T.K.N.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn