Việt Nam: đàm phán đất đai kiểu công an

Kiều Phong (VNTB)

Ở các nước văn minh, đàm phán đất đai là chuyện giữa người dân và doanh nghiệp. Nhưng bao năm nay - trên đất nước Việt Nam, chính quyền thu không biết bao nhiêu đất đai của người dân. Khi không đi đến thỏa thuận thì chính quyền sử dụng công an đi cưỡng chế, vì vậy lực lượng thực thi bị đẩy đến chỗ lưu manh hóa. Nhìn ra các nước phát triển, đàm phán đất đai là chuyện riêng giữa người dân và doanh nghiệp, chính quyền chỉ làm chứng và xử lý kiện tụng mà thôi.

clip_image002

Việt Nam: kẽ hở luật pháp được lợi dụng

Luật pháp ở Việt Nam được cho là yếu kém và kẻ gian có nhiều kẽ hở để lợi dụng. Nổi cộm là luật đất đai. Người dân Việt Nam khi mua đất thì được chính quyền bán cho quyền sử dụng đất (sổ đỏ), còn quyền sở hữu đất thì nhà nước vẫn giữ, lấy lý do rằng đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước thay toàn dân quản lý. Nhờ sự phân biệt không rạch ròi này, quan chức địa phương diễn đi diễn lại một chiêu trò cướp bóc.

Chẳng hạn như một nhà kia có một miếng đất ruộng. Một tên chủ tịch xã muốn kiếm chác từ miếng đất ruộng đó. Tên chủ tịch xã lập kế hoạch để lấy đất ruộng bán cho tư nhân, ăn tiền chênh lệch. Đầu tiên, chủ tịch xã vận động quan chức xã lập dự án để xây nhà trẻ - trường mẫu giáo trên miếng đất ruộng, ông nông dân làm chủ miếng đất ruộng không muốn bán cũng không được. Sau khi ông nông dân nhận tiền rồi, tên chủ tịch xã và một nhóm nhỏ các quan chức mở một cuộc họp để dời địa điểm xây trường mầm non trên nền ruộng cũ ra gò đất hoang. Ngày hôm sau nữa tên chủ tịch xã đã chào bán miếng đất ruộng cho một doanh nghiệp.

Tóm tắt cả quá trình, trước kia chủ tịch xã lấy cớ nhân danh xây trường mầm non để “xin đểu” đất của ông nông dân với giá rẻ bèo, sau này bán cho doanh nghiệp với giá cao ngất ngưởng. Thành ra, ông chủ tịch xã không mất giọt mồ hôi nào mà ăn được một khoản chênh lệch kếch xù. Đó là kẽ hở luật pháp nuôi béo quan chức địa phương ở Việt Nam, nhưng cũng là thứ đã đẩy nhân dân vào cảnh bần cùng hóa, đất nước thì ngổn ngang như chảo tạp-pí-lù.

Trong khi đó, luật pháp tồi tệ đẩy ngành công an vào chỗ lưu manh hóa.

Nếu ông nông dân hiền lành và cam chịu, ông ta sẽ cắn răng cho qua chuyện. Nhưng nếu người nông dân thông minh thì sẽ khác. Ông ta sẽ đặt câu hỏi: Tại sao đất của tôi bán với giá vài chục nghìn một mét vuông mà bán lại cho người khác giá lên đến cả triệu đồng mỗi mét vuông?

Vì thế có nhiều người nông dân nữa không dễ gì bị quan chức địa phương lấy đất dễ dàng. Những người nông dân lý luận rằng nhà nước có thể lấy quyền sở hữu đất của tôi, nhưng tôi không bán quyền sử dụng cho nhà nước, thì nhà nước không có quyền làm bất kỳ điều gì trên miếng đất của tôi.

Lúc này, máu tham nổi lên, quan chức địa phương xì tiền để sai công an- cảnh sát cơ động vào để cưỡng chế đất của dân.Thực tế ở Việt Nam đã có biết bao nhiêu người nông dân dùng bom xăng, súng, vũ khí tự vệ để giữ đất bằng được. Đụng độ đã xảy ra, tất nhiên người dân luôn thua cuộc, về phần công an-cảnh sát cơ động, những người lính chỉ làm theo lệnh này cũng chỉ được lì xì một ít mà thôi. Kẻ hưởng lợi nhiều nhất, ăn miếng béo bở nhất, là những quan chức địa phương.

Vì vậy, luật đất đai ở Việt Nam với những điều vô lý như thế, đương nhiên ngành công an đã bị đẩy vào con đường lưu manh hóa.

Hàn Quốc: doanh nghiệp muốn mua đất phải đàm phán trực tiếp với dân

Ở các làng quê Việt Nam, cha ông từ rất sớm, đời Lê đời Nguyễn đã khai hoang khẩn đất, để lại cho con em. Dưới luật pháp mới, chỉ cần các bác quan xã ra một cuộc họp là con em bản địa mất miếng đất cha ông để lại, vào tay những doanh nghiệp lạ hoắc từ đâu đến. Sự kiện Vingroup đi đến đâu là chính quyền địa phương đẩy dân ra khỏi nhà đến đó để nhường chỗ cho Vingroup, là bất công lớn trong vô vàn bất công lớn.

Những oan ức, những đau lòng mà người dân Việt Nam đang gặp phải, dường như không xảy ra ở Hàn Quốc, một đất nước cũng xuất phát từ nông nghiệp như đất nước ta. Luật pháp của Hàn Quốc rất công bằng. Doanh nghiệp muốn mua đất thì phải đàm phán trực tiếp với dân. Nhờ đó giữa dân và doanh nghiệp đôi bên cùng có lợi về giá cả. Nếu dân không đồng ý thì doanh nghiệp không bao giờ có được miếng đất, trong trường hợp dân đồng ý sang nhượng đất cho doanh nghiệp thì cả hai sẽ lên chính quyền để nhờ chính quyền làm chứng và làm giấy tờ cho cuộc mua bán. Vì vậy đất nước Hàn Quốc ngày càng xinh đẹp, nhà cửa phố xá lịch sự, hài hòa trong tổng thể quy hoạch, mà dân Hàn thì hài lòng về đất đai.

Thực lòng mà nói, Hàn Quốc cũng có thể xảy ra những vụ việc đáng tiếc liên quan đến đất đai. Một số doanh nghiệp bất lương thuê các băng đảng xã hội đen đến ép buộc dân phải bán đất, nếu không sẽ đánh nhừ tử. Nhưng xã hội đen đánh dân lấy đất ở Hàn Quốc là số ít, còn việc công an Việt Nam đánh dân để lấy đất thì đã là quá nhiều, hình thành lên đội ngũ dân oan đất đai đông nhất thế giới.

Lỗi không phải ở ngành công an Việt Nam, lỗi là ở chính sách- pháp luật của Đảng Cộng sản. Nước nào muốn phát triển thì cũng cần đất để xây dựng cả. Nhưng ở các nước văn minh, nơi dân đối xử với nhau bằng tình người, việc đàm phán là việc giữa dân và doanh nghiệp. Riêng ở nước Việt Nam thì đó là việc của dùi cui, gậy gộc, hơi cay, công an và cảnh sát.

K.P.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/01/vntb-viet-nam-am-phan-at-ai-kieu-cong-an.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn