Lại bàn về cái Gốc (Phần II) - Việt Nam chọn đồng minh chiến lược mới

Vũ Duy Phú

Hiện nay trong nhân dân đang nảy sinh những ý kiến mâu thuẫn nhau về nhiều vấn đề quốc tế, trong đó rõ nhất là “Chọn đồng minh chiến lược số 1”... Chẳng cần úp mở làm gì, hiện nay, rõ ràng VN đang đứng trước sức ép trong nước và thế giới về sự lựa chọn Mỹ hay Trung Quốc làm Đồng minh quan trọng nhất của mình.

Đặt vấn đề

1/ TQ đã từng là đồng minh chiến lược của VN suốt mấy chục năm vừa qua, khi mục tiêu quốc gia của VN và TQ trùng hợp với nhau. Hơn thế VN và TQ còn dựa vào nhau và tận tình giúp đỡ nhau thực hiện mục tiêu (việc VN giúp trở lại TQ - tạo bàn đạp chiến lược cho TQ - thì hầu như chỉ có những nhà chiến lược của các nước mới thấy rõ và đã ghi nhận). Nhưng nay, khi mục tiêu của TQ đã khác mục tiêu của VN (TQ muốn gấp rút trỗi dậy để thế chân Mỹ trong thế kỷ XXI ), thì VN lại ngẫu nhiên, trên quan điểm của TQ, trở thành “vật cản” tự nhiên của TQ trên đường đi của họ. Vì vậy, trên thực tế hành động, TQ đã đối xử với VN không khác một kẻ thù. Chính đó là cái khó cho VN, vì thực chất bây giờ là cần/phải từ bỏ quan hệ đồng minh chiến lược vốn có với TQ, để chống đỡ lại một TQ đang tự thể hiện như là kẻ thù của mình. Do vậy VN cần chọn thêm một đồng minh chiến lược mới cho giai đoạn cách mạng hiện nay.

2/ Mỹ đã từng là kẻ thù lớn nhất của VN suốt mấy chục năm qua cho đến năm 1975. Nhưng sau khi Mỹ đã nhận ra sai lầm chiến lược do nhầm lẫn tệ hại ngay từ năm 1945 đối với bản chất của Chính phủ VNDCCH, nên Mỹ đã có thái độ tích cực tham gia khắc phục những hậu quả sai lầm tại VN, và đặc biệt từ năm 2013, Mỹ đã bắt tay với VN trong quan hệ “đối tác hợp tác toàn diện”, đang ủng hộ và hỗ trợ VN chống lại bành trướng bá quyền Đại Hán/TQ. Vì vậy, hiện nay, Mỹ rất xứng đáng để VN chọn mời làm đồng minh chiến lược với mình, ngoài những đồng minh rất quan trọng đã có.

Như trên đã nói, trong thế giới phẳng ngày nay, nếu lãnh đạo một nước cần một sự lựa chọn lớn mà sai lầm, không chỉ bị nhân dân phê phán, chống đối, mà còn bị nhân dân thế giới chê cười và không đồng tình ủng hộ. Vì vậy, chọn đồng minh chiến lược số một là một bài toán rất lớn cho người lãnh đạo và cho đất nước. Rõ ràng, vừa qua VN đã từng chọn TQ là đồng minh chiến lược. Vậy nay giới lãnh đạo TQ tự biến mình thành kẻ thù của VN, thì có nghĩa tự họ đã vứt bỏ cái mác đồng minh chiến lược ấy đi. Còn Mỹ, bằng hành động và các quyết định cấp nhà nước của mình, thực tế là đã quên đi thời gian nhầm lẫn đen tối trước đây để bắt tay xây dựng mối quan hệ mới tốt đẹp với VN. Bản chất vấn đề đã sáng tỏ như vậy, thì nếu VN có luyến tiếc cái cũ hay sợ hãi cái mới cũng chẳng giúp ích gì, mà lại còn bị chê cười là kỳ dị, lú lẫn hay tránh né một sự thật!

Tình thế hiện nay bắt buộc VN phải nghiêm chỉnh xem xét tìm một đồng minh chiến lược số 1 mới để có chỗ dựa trong cuộc chiến đấu lâu dài xây dựng và bảo vệ đất nước trong thế kỷ XXI.

Để khách quan, tin tưởng quyết định của mình là đúng, và để nhân dân TQ (láng giềng hữu nghị) cũng phải thừa nhận sự thật và không thể phản đối, sau đây chúng tôi xin đưa ra một phương án (chủ quan, sơ bộ) so sánh lại cho cẩn thận ngay giữa TQ (đồng minh chiến lược số 1 cũ) với Mỹ (đồng minh chiến lược số 1 mới đang được đưa ra lựa chọn) không chỉ ở thời điểm hiện tại, mà tính đến cả những diễn biến trong tương lai ngắn hạn và trung hạn nữa.

I. Bàn về tiêu chuẩn chung

Rõ ràng cạnh tranh phát triển là một đặc điểm bẩm sinh. Mà cạnh tranh để chiếm ngôi “Đứng đầu thế giới” giữa các nước có tiềm năng là không thể tránh khỏi và gay go nhất. Tất nhiên chúng ta lựa chọn các đồng minh chiến lược, nhất là đồng minh chiến lược số một – tuy không phải là yếu tố bất biến – phải là sự lựa chọn giữa những nước đang đứng hàng đầu thế giới và đang ủng hộ chúng ta phù hợp quan điểm và lợi ích của đất nước chúng ta. Nhưng trước đó, để không mơ hồ, nhầm lẫn, và khách quan, chúng ta hãy xem xét vấn đề này theo một hệ tiêu chí chung của toàn cộng đồng Nhân loại.

Tiêu chí để lựa chọn đồng minh chiến lược văn minh theo lẽ đương nhiên là:

1. Thể chế chính trị, mô hình phát triển tiên tiến nhất, hay tiên tiến hơn;

2. Sức mạnh kinh tế, quân sự, văn hóa xã hội… ưu việt hơn;

3. Thái độ chính trị và các mặt quan trọng khác của họ đối với nước đang tìm chọn phải là tốt hơn. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất;

4. Thái độ của thế giới, của khu vực đối với nước được lựa chọn là tốt hơn;

5. Ảnh hưởng của những yếu tố gắn bó quan hệ truyền thống, lịch sử giữa 2 bên.

Điều cần lưu ý ngay là, các tiêu chuẩn trên chủ yếu được đánh giá tại thời điểm hiện nay.Vì vậy, rất cần thêm điểm phân tích thứ 6:

6. Sự thay đổi trong tương lai gần và trung hạn các tiêu chí nói trên của từng nước được đưa ra lựa chọn.

II. Đi vào cụ thể

Về tiêu chuẩn 1 và 2: Đến thời điểm hiện nay 2014, thì chính TQ cũng phải thừa nhận rằng, về tổng thể, Mỹ đang vượt trội hơn TQ. Vì vậy, thế giới và chính TQ mới gọi Mỹ là siêu cường đứng đầu thế giới, thừa nhận thế giới còn đang “độc cực”, còn TQ mới đang phấn đấu “mở hết tốc lực” để đuổi kịp, và tự gọi mình là “nước đứng đầu thế giới tiềm năng” (xem trong “Giấc mộng Trung Hoa” của chính TQ). Vậy nếu chỉ xét điểm 1 và điểm 2, cộng với thái độ cụ thể rất rõ rệt không cần bàn cãi về vấn đề thời sự Biển Đông của TQ đối với nước ta hiện nay (TQ thì chèn ép, xâm lược, dã man tàn bạo), còn Mỹ, và thế giới thì bênh vực, ủng hộ VN (nội dung thời sự quan trọng của điểm 3 và 4), nên nếu chúng ta không chọn Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược số một, trong khi Mỹ đã sẵn sàng, để đối phó lại với TQ thì thế giới và nhân dân nước ta có thể coi đó là một điều kỳ lạ, hay kỳ dị!

Có lẽ điều kỳ lạ đó được giải thích như sau: Để chọn đồng minh chiến lược số 1, ta không nên chỉ dựa vào tình thế hiện tại. Vấn đề Biển Đông như vậy mà bị xem chỉ là một “đụng chạm nhỏ” (!), mà cần xét kỹ cả những yếu tố quan hệ lịch sử nữa (điểm 5, đã nói ngắn gọn trong phần mở đầu) và chiều hướng chuyển biến toàn cục trong tương lai ngắn hạn và trung hạn (điểm 6).

Vì vậy, sau đây, để hoàn toàn an tâm, tôi sẽ phân tích ngắn gọn toàn diện lịch sử và triển vọng diễn biến phát triển (về điểm 6), của Trung Quốc và Mỹ trong tương lai:

Về so sánh cụ thể mạnh hay yếu và diễn biến sắp tới của 2 nước ứng viên

2.1. Hoa Kỳ

- Về tiêu chuẩn thể chế chính trị: Thể chế chính trị của Mỹ là thể chế mà tại thế kỷ XXI này mọi quốc gia trên thế giới đang hướng tới, đó là “Nhà nước pháp quyền tam quyền phân lập, Thị trường tự do hướng tới thị trường xã hội và Xã hội dân sự hiện đại” (dẫn đầu xu thế tất yếu trung hạn: Toàn cầu hóa TBCN). Bởi thế ngay từ khi Mỹ ra Tuyên ngôn lập nước, Các Mác đã viết: “Hoa Kỳ là nơi đầu tiên sản sinh ra tư tưởng của nước cộng hòa dân chủ vĩ đại”, Mác coi “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 của Hoa Kỳ là “Tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên của Nhân loại”. Mác cũng đánh giá rất cao “Tuyên ngôn giải phóng” nô lệ của Mỹ năm 1863, vì vậy ông đã “thay mặt Quốc tế Cộng sản I phát đi lời chúc mừng đầy nhiệt huyết”. Còn Tôn Trung Sơn sau khi quan sát nghiên cứu kỹ tình hình nước Mỹ, đã ca ngợi: “Mỹ là nước văn minh tiên tiến, là nước cộng hòa đầu tiên trên thế giới”, ông đã khuyến khích người TQ học tập Mỹ, trước hết là học tập tinh thần cách mạng và xây dựng đất nước của Mỹ. Còn Mao Trạch Đông thì “quyết tâm đuổi kịp và vượt Mỹ trong vòng 15 – 20 năm”. Hồ Chí Minh ngay từ 1945 đã vận dụng mô hình chính trị của Hoa Kỳ. Hiện nay những chính khách tầm cỡ của giới tư bản Mỹ đã nhận định: Hoa Kỳ hiện nay đã chuyển từ CNTB đế quốc sang CNTB dân chủ. Còn chính giới Trung Quốc hiện nay thì nhận định rằng: “Hoa Kỳ đã tự do dân chủ một nửa, là tự do dân chủ đối với trong nước, còn vẫn là bá quyền đối với nước ngoài”, vả lại, Mỹ mới chỉ có “dân chủ theo chiều ngang” (xem giải thích tại phụ lục (*)). Như vậy có thể kết luận: Về mặt thể chế, chưa có nước nào được các chính khách lớn trên thế giới đánh giá cao như vậy. Tuy nhiên: Cái sai lớn nhất của Mỹ là: a) đã để hình thành các “tập đoàn kinh tế” toàn cầu không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu và ngăn chặn độc quyền ngay từ đầu. Các tập đoàn này đã biến thành “Siêu quyền lực” điều khiển cả Chính phủ Mỹ và Thế giới; b) Thái độ ứng xử với thế giới rất chủ quan, tự mãn kiêu căng; nhiều khi lợi dụng thực hiện chức năng sen đầm thế giới để trục lợi quốc gia và các tập đoàn…; c) Khi bị nhân dân thế giới chống lại, đã có thời kỳ thi hành chính sách phản động: “Không theo ta là kẻ thù”, gây chiến tranh bảo vệ quyền lợi quốc gia và đồng minh với rất nhiều nước; d) Nhầm lẫn trong chủ trương chống “CSVN” (tưởng rằng Hồ Chí Minh tuân theo đường lối QTCS III), đó là sai lầm chiến lược trong chiến tranh ở VN.

Với tất cả những thành công to lớn từ khi lập nước và những thất bại nặng nề đã trải qua tại nửa sau thế kỷ XX, nước Mỹ đã đủ thông minh – và đủ tiềm lực – để bắt đầu “Tìm lại giấc mơ cũ”. Từ cuối thế kỷ XX, Mỹ đang chuyển dần từ “Chủ nghĩa tư bản đế quốc” sang “Chủ nghĩa tư bản Dân chủ” mà Obama là đại diện (theo sự chứng minh của John Perkins, một chính trị gia nổi tiếng của Mỹ). Mỹ cũng đã nhận thấy sai lầm ở VN và đang tự giác đền bù lại sai lầm của mình, đã quyết định coi VN là “đối tác hợp tác toàn diện”.

- Về các nội dung kinh tế, KHCN, quân sự, văn hóa, xã hội dân sự…: hầu như nước Mỹ đều đứng đầu bảng, hoặc vẫn vào tốp đầu, ví dụ về thu nhập bình quân đầu người của Mỹ còn kém một số nước. Chính vì vậy Mỹ mới được thừa nhận rộng rãi là siêu cường hùng mạnh nhất thế giới.

Vậy tại sao Mỹ lại có được vị trí như vậy? Cái lòng tham phổ quát toàn cầu nó đóng góp vào thành tựu này của Mỹ như thế nào?

Quả thật, với lòng tham vốn có của con người và sự dũng cảm vượt đại dương sang kiếm sống tại lục địa Hoa Kỳ của những người Châu Âu đầu tiên đã dựng nên nước Mỹ hơn 200 năm trước đây. Bản thân cái tên “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” đã nói lên rằng, nước này không có gì trong quá khứ để tự hào, luyến tiếc, và cũng chẳng phải là nô lệ của một cái gì xấu xa trước đó, hay một lịch sử dân tộc “hàng mấy ngàn năm” trì trệ. Vì vậy, khi những công dân Mỹ đầu tiên (mang theo mình những trí thức khai sáng của Châu Âu là chính, nơi vừa rũ bỏ thành công chủ nghĩa phong kiến tập quyền mất dân chủ tự do, đang bắt đầu xây dựng chủ nghĩa tư bản với những đặc điểm cơ bản như chúng ta đã thấy: Nhà nước pháp quyền, thị trường tự do và xã hội dân sự) họ sang mảnh đất hoang sơ này để được hoàn toàn tự do dân chủ bình đẳng cạnh tranh lao động kiếm sống. Và để hòa bình, yên ổn làm ăn, họ đã tự mình xây dựng một thể chế tổ chức quản lý đất nước, đấu tranh “thống nhất giang sơn’ và chống xâm lược. Mô hình của Châu Âu Tư bản chủ nghĩa đã được người dân Mỹ tham khảo và nhanh chóng được họ cải tiến tốt hơn cho chính nước họ. Trong quá trình phát triển TBCN, Tư bản Mỹ, với “lòng tham của con người” và với hoàn cảnh thuận lợi – tự mình làm chủ – như đã nói, nước Mỹ đã nhanh chóng trở nên hùng cường, đủ “khôn” để bành trướng ra thế giới. Nhưng tại sao họ không đi chiếm thuộc địa, mở mang bờ cõi, xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải của các nước xung quanh? Bởi lẽ họ có đủ thông minh: a) Vì họ tôn trọng bản đồ thế giới đã hình thành, và học được bài học thất bại của các nước TBCN thực dân đi trước; b) Vì với KHKT tiên tiến nhất thế giới, với những sản phẩm chất lượng, tinh xảo hàng đầu, Mỹ nhận thấy rằng, cứ thuyết phục các nước “mở cửa” thị trường thì Mỹ sẽ thống lĩnh được kinh tế thế giới không cần chiến tranh (cái ý ấy là đặc sệt “cá nhân chủ nghĩa”, khôn ngoan, nhưng là tiên tiến cho đến tận ngày hôm nay). Mỹ đã cố gắng đứng ra làm “Sen đầm” giữ trật tự thế giới để cùng cạnh tranh trong hòa bình, yên tâm rằng, chừng nào KHCN và sản phẩm công nghệ cao của Mỹ vấn đứng đầu thế giới. Thái độ chống CNCS gay gắt cũng chính là vì Mỹ sợ cái đường lối đưa công nông (nghèo khó, ít học) lên lãnh đạo, xóa bỏ thị trường tự do thì nó sẽ chặn đứng, thậm chí tiêu diệt cái chủ trương tự do dân chủ cạnh tranh thị trường theo tài trí sáng tạo của mọi công dân; c) Vì một điều may mắn: đất Mỹ đã đủ rộng cho khoảng 2-300 triệu dân.

Tất cả những cái xấu xa cũ đã thúc ép, và tất cả những cái tốt đẹp vốn có đang tạo ra khả năng để Hoa Kỳ có thể chuyển dần từ CNTB đế quốc, về CNTB Dân chủ, cơ hồ có thể tìm lại giấc mơ cũ trong các bản Tuyên ngôn nổi tiếng của nước Mỹ. Mỹ rất xứng đáng là đồng minh chiến lược số 1 của VN.

2.2. Trung Quốc

Khác hẳn với Mỹ, nếu đem hệ thống thang bậc tiến hóa abc của thế giới ra áp vào TQ, thì hầu như TQ đang đứng ở bậc trung bình về hầu hết các nội dung, trừ tổng lực kinh tế đứng thứ hai (của 1,3 tỷ dân, trong khi Mỹ chỉ có trên 300 triệu dân), chinh phục vũ trụ và số lượng trang bị quân sự là đạt được hàng thứ ba, thứ tư thế giới. Trung quốc có lịch sử chí ít cũng đến 3, 4 ngàn năm. “Hiện nay tại TQ đang nổi lên trạng thái tâm lý rất cực đoan đang thịnh hành ở nước này liên quan đến cái gọi là tính ưu việt về chủng tộc của Trung Quốc, chủ nghĩa quân phiệt, và trường phái lý luận coi ý chí chính trị đóng vai trò quyết định tối hậu của nước này” (Theo TTX VN). Tâm lý ấy đang động viên Trung Quốc “chạy hết tốc lực” để trở thành “quốc gia số một” hay “cường quốc đứng đầu thế giới” thay thế Mỹ. Nhưng vì cái gì, để cho ai, thì các nhà lý luận chiến lược của TQ chưa trả lời được rõ ràng. Một số chuyên gia TQ nói rằng, “để TQ làm mẫu, tạo mô hình tân tiến “dẫn dắt” thế giới” (!).

Trên cơ sở nào xuất hiện tư duy nôn nóng, vội vã độc đáo ấy? Đây là truyền thống thông minh, sáng tạo, tiên tiến đặc sắc; hay ý muốn chủ quan siêu hình, lập dị, ảo tưởng; là sự bừng tỉnh của một số người TQ tiên phong đã từng đi tham quan khảo sát ở các nước phương Tây; hoặc đơn giản chỉ là biểu hiện của lòng tham không đáy, muốn có sức mạnh để lặp lại những sai lầm của CN thực dân đế quốc hay phát xít trước đây?

Sau đây là điểm qua mấy nguyên nhân:

1. TQ là nước lớn nhất cả về dân số lẫn đất đai và lịch sử văn hóa lâu đời. Vậy thì TQ hèn kém gì mà không đặt cho mình mục tiêu trở thành một nước đứng đầu thế giới? (**)

2. Trung quốc đã từng là cường quốc kinh tế thế giới. Đã từng có nền văn minh Trung Hoa nổi tiếng “nhân đạo và hòa bình” (!) thời Trung Đại, đã phát minh ra giấy, thuốc súng, la bàn, đã tự sáng tạo ra chữ viết và các triết giáo nổi tiếng như Đạo Lão, Đạo Khổng; TQ có định hướng thể chế tân tiến (XHCN đặc sắc TQ), có mô hình hiện đại là “Dân chủ theo chiều dọc” (xem phụ lục), có sức mạnh của “Trung Quốc vương đạo” không bao giờ phai lạt… Vậy TQ có quyền “lập chí” đứng đầu thế giới!

Nhưng TQ đã cố bỏ qua cái Gốc: Vì lý do gì TQ đã từng có vị trí đứng đầu thế giới phong kiến, nhưng sau đó đã để mất tư thế đó, thậm chí đã trở thành “một nước nghèo yếu nhất thế giới để cho các nước tư bản phương Tây sâu xé suốt gần một thế kỷ”, như Tôn Trung Sơn đã từng nói? Đó là vì: a) Trung Quốc đã chìm sâu vào Chủ nghĩa phong kiến, đã hoàn thiện, chăm chút, tô điểm, nâng cấp cái chủ nghĩa “Trung quân Vương đạo” này đến mức tinh xảo, ưu việt nhất trong “Thế giới phong kiến” toàn cầu. Nếu Chủ nghĩa phong kiến trên thế giới có những đặc điểm gì cản trở sự tiến hóa văn minh, thì chủ nghĩa phong kiến của TQ luôn thuộc loại đứng đầu. Người TQ vẫn tự hào về nền văn hóa cổ kính của mình, đặc biệt cái đỉnh cao của nó là Đạo Khổng, chuyên dạy người ta phải sống có nhân nghĩa, đạo đức (đó là cái tốt), nhưng thực chất trước hết là để hết lòng trung thành với nhà vua (Chủ nghĩa Trung quân) (mâu thuẫn với nhân nghĩa, đạo đức); b) Các vua chúa phong kiến rất ghét tư duy Dân chủ, độc lập, sáng tạo, sự tự do, thậm chí ghét đến mức rất nhiều triều đại cho quân lính tịch thu đốt hết sách vở, bắt giết cả trí thức có ý vươn ra ngoài quy chế lễ giáo phong kiến, nhất là tại các “thuộc quốc” để triệt tiêu sự nổi dậy. Bởi họ coi những thứ đó là rất nguy hiểm cho chế độ vương đạo, cho ngai vàng của họ; c) Nói về cái bệnh phổ quát của con người là bệnh tham lam, thì có lẽ TQ là tập hợp chứa chấp một số nhóm người tham lam nhất thế giới. Không ai dám bịa: Chính những nhóm người này là hạt nhân cực kỳ lợi hại, nguy hiểm của Chủ nghĩa bành chướng bá quyền phong kiến cực đoan Trung Hoa. Do lòng tham vô độ, nhưng thay vì nghiên cứu sáng tạo KHCN, làm ra sản phẩm mới, thì họ lại không ngừng nghỉ “sáng tác” ra mọi mục tiêu và mưu mẹo xảo trá dã man thâm độc để “mở mang” bờ cõi, xâm chiếm đất đai, đồng hóa các dân tộc khác chung quanh, không để cho người ta sống hòa bình, yên ổn. Đó là nguyên nhân dẫn đến kết quả không ngờ: Từ một vùng đất rộng lớn, trên đó cư trú trên hai chục quốc gia độc lập (như kiểu các quốc gia độc lập Châu Âu tồn tại cho đến hiện nay), họ đã đánh chiếm bằng cả quân sự lẫn mưu mẹo, rồi bằng mọi cách đồng hóa bên bị thua để các nước thua không thể đòi tách ra độc lập trở lại như cũ được nữa (Dấu vết của cái dã tâm xâm chiếm đồng hóa này vẫn còn chưa kịp hoàn thành đến giờ này, đó là các vùng Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông…)(***); g) Chính vì Chủ nghĩa trung quân được điêu luyện trên đất TQ, nên nó đã triệt tiêu đến tệ hại mọi ý chí vươn lên sáng tạo và cạnh tranh phát triển KHCN, sản xuất sản phẩm cao cấp hiện đại, đời sống văn hóa và thể chế chính trị phi phong kiến…, làm cho đất nước Trung Hoa ngày càng tụt hậu so với thế giới hiện đại như Tôn Trung Sơn đã nhận xét (người đã rất nhiều lần tìm đường sang phương Tây quan sát, học hỏi).

Bây giờ một số giới TQ với đầu óc dân tộc rất cao, có chí hướng lớn, có tầm nhìn rất “chiến lược”… đã gợi dậy tinh thần xô vanh nước lớn của Nhân dân TQ để thực hiện ý đồ chính trị của mình (“nước mà đứng đầu, thì dân sẽ rất có lợi”). Tôn Trung Sơn đã từng nói: “Người TQ phải làm nên những kỳ tích vĩ đại nhất của Nhân loại” (!), “Phải xây dựng TQ trở thành quốc gia “4 nhất’: Mạnh nhất thế giới, giàu nhất thế giới, nền chính trị tốt nhất thế giới, dân chúng hạnh phúc nhất thế giới”. Những tư tưởng đó thật vĩ đại, thật đặc sắc. Và Tôn Trung Sơn cũng đã nói: “Thế giới phải hòa bình, thế giới phải đại đồng. Mong muốn người TQ sẽ đảm bảo hạnh phúc lớn nhất cho nhân loại, làm nên kỳ tích lớn nhất cho nhân loại, không chỉ mang lại lợi ích cho một dân tộc, một quốc gia, mà là cho toàn thể nhân loại”. Giải pháp của Tôn Trung Sơn đưa ra là theo bước chân của Hoa Kỳ.

Vậy tại sao bây giờ TQ đi ngược lại 180 độ những lời chỉ giáo của lãnh tụ của mình, phải “tăng tốc tận lực” bóc lột nhân dân TQ, phải dùng biện pháp bành trướng bá quyền ra chung quanh, chà đạp lên luật pháp quốc tế và quyền lợi các nước khác để thực hiện mục tiêu phát triển thành một “nước lớn đứng đầu” thế giới?

Có rất nhiều lý do khác nhau:

1. Về chính trị. Tôn Trung Sơn đã dạy: Muốn phát triển, TQ phải thực thi Tam quyền phân lập (Lập pháp, tư pháp, hành pháp) như các nước phương Tây, thậm chí cần sáng tạo thêm, thực hiện “Ngũ quyền phân lập”, tức phải thêm “hai quyền phân lập” nữa, là thêm chế độ chất vấn và thi cử (như chất vấn quốc hội, tranh cử nghị sĩ và tổng thống). Tôn Trung Sơn còn nói: “Nếu TQ có thể đi theo con đường cách mạng của Mỹ, thì kết quả tương lai đương nhiên sẽ tốt đẹp hơn Mỹ”. Nói tóm lại, đáng lẽ là phải Tự do dân chủ đa nguyên như phương Tây, và hơn phương Tây. Nhưng Mao Trạch Đông và phe phái của Mao cầm quyền thì lại rất nôn nóng, tôn sùng, học theo nhà độc tài Stalin và lãnh chúa khát máu Tần Thủy Hoàng… để thực hiện ý đồ không lành mạnh “chạy cho thật nhanh” để soán ngôi cường quốc chủ trì thế giới nhằm trục lợi! Vậy bao giờ TQ mới “dẫn dắt” được thế giới về chính trị, về mô hình phát triển?

2. Về kinh tế. Để phát triển trỗi dậy, đương nhiên phải tự chăm sóc nội lực và quan hệ tốt với thị trường quốc tế. Nhưng với phương châm nóng vội “chạy cho thật nhanh” thì TQ không thể theo mô hình dân chủ cạnh tranh bình đẳng tự nhiên như các nước, vì cái này đòi hỏi thời gian dài. Vì thế TQ đã dùng mọi mưu ma chước quỷ dụ dỗ các nước phương Tây, sau khi Mỹ thua tại VN nên gặp nhiều khó khăn, để họ sẵn sàng giúp biến TQ thành “công xưởng của thế giới” để TQ tự bóc lột mấy trăm triệu nhân dân nước mình, thông qua thu hút đầu tư, công nghệ và giải quyết thị trường bên ngoài. Việc TQ coi thường luật pháp quốc tế và các quan hệ láng giềng, đã hung hăng bành trướng bá quyền ra các nơi chung quanh không cần dấu diếm như đang thấy, chính là nằm trong chiến lược “chạy thật nhanh” để chiếm “vị trí đứng đầu thế giới” nói trên. Sự nôn nóng, ăn xổi đó đã dẫn đến tác hại mà chính một chuyên gia TQ đã cho biết: “Nền kinh tế TQ có 16 cái “tử huyệt”, nếu phương Tây mà “trừng phạt” vào đấy, thì kinh tế TQ có thể gục ngay sau vài tháng”. Vậy bao giờ TQ mới ở vị trí “Dẫn dắt” thế giới về kinh tế như họ muốn ?

3. Về KHCN và kỹ thuật quân sự. Sự lạc hậu về KHCN và KT quân sự của TQ có nguyên nhân sâu xa từ chế độ tập quyền phong kiến, như đã nói (nên mới bị các nước phương Tây và Nhật “bắt nạt”). Vì việc tự lực nâng trình độ KHCN và kỹ thuật QS lên không thể nhanh, cho nên TQ đã có cực nhiều sáng kiến “sao chép” mọi lĩnh vực KHCN của thế giới, đã khôn khéo lôi kéo được các chuyên gia KHCN và KT quân sự LX chạy sang, đồng thời cũng huy động được các trí thức chuyên gia TQ học tại các nước phương Tây trở về. Tình báo thu thập thông tin KHCN và KT QS của TQ cũng phát triển rất mạnh. Một chân lý: Khi đã ngang bằng, mà muốn vượt lên, thì phải bằng chính trí tuệ và sức lực của mình. Nhưng chính các chuyên gia chiến lược KHCN, Kỹ thuật quân sự của TQ cũng mới chỉ hy vọng rằng: TQ sẽ sớm bỏ qua vị trí thứ ba trong lĩnh vực sức mạnh này. Vậy bao giờ TQ mới “dẫn dắt” được thế giới về những mặt KHCN và KT quân sự ?

Tóm lại, cái mối lo và đáng ngại nhất của thế giới đối với TQ thực chất là sự hung hăng và ý chí nóng vội “chạy thật nhanh”. Cái đáng gờm thứ hai là sự tàn bạo mưu mô sảo quyệt dã man của TQ, không chỉ đối với bên ngoài, mà họ dám làm đối với ngay trong nước họ, để diệt những ý tưởng chống đối sự mất dân chủ và bất chính. Nhưng 2 cái đó chỉ là sức mạnh đe dọa tạm thời, không cơ bản, chỉ có thể hữu hiệu cho những mục tiêu cụ thể trước mắt. Trước đây, TQ chê Mỹ và phương Tây là Cường đạo dã man, còn TQ sẽ là Cường đạo văn minh. Nhưng nay, thực tế đang diễn ra là đã đảo ngược lại. Điều đó không có gì khó hiểu: TQ đi sau phương Tây khoảng một thế kỷ. Họ không thể không trải qua những bước tiến hóa theo trật tự quy luật, nhưng vì nôn nóng, để rút thật ngắn, họ buộc phải tìm cách nhảy cóc bằng “cơ bắp” và thủ đoạn gian dối.

Mặc dù TQ đã có thời đứng hàng đầu thế giới, nhưng nên nhớ, đó là hàng đầu trong thể chế và văn minh phong kiến. Nên thực tế không thể chối cãi là TQ hiện nay đang giống nhiều nước phương Tây trước thế chiến một và thế chiến hai. Vì vậy, trong khi Mỹ đã chuyển sang CNTB Dân chủ, thì Tàu mới bắt đầu đi vào giai đoạn Tiền TBCN, để rồi sau đó sang nửa đầu thế kỷ XXI này mới “định hướng” đạt đến giai đoạn CNTB đế quốc như Mỹ tại nửa sau của thế kỷ XX vừa qua. Chính Mao Trạch Đông, sau khi thất bại nặng nề trong “Đại nhẩy vọt” đã điều chỉnh thời gian cần để TQ vượt Mỹ từ 15 – 20 năm lên 50 – 100 năm. Còn Đặng Tiểu Bình thì nêu thời gian để TQ tiến lên vượt trước Mỹ, đứng đầu thế giới là “nửa sau của thế kỷ XXI”. Chúng tôi, căn cứ sự tiến hóa văn minh của Nhân Loại, thấy rằng, mỗi thế kỷ tiếp sau, các thế hệ CON NGƯỜI mới sinh ra lại có bao điều mới mẻ, tiến bộ thông minh hơn các thế hệ trước, do đó nếu Bồ Đào Nha chỉ giữ được vị chí “đứng đầu thế giới” gần 1 thế kỷ, Hà Lan giữ được “cường quốc đứng đầu” trên 1 thế kỷ, nước Anh đứng đầu thế giới khoảng 2 thế kỷ, thì Mỹ có thể đủ thông minh, tài trí để giữ được vị trí đứng đầu thế giới khoảng từ 2 đến 2,5 thế kỷ. Còn TQ, vì bắt đầu tham gia vào cuộc đua quá chậm, không đi từ CNTB Dân chủ hàng ngang, mà từ “CNTB đặc sắc Dân chủ hàng dọc”. Điều đó bắt buộc TQ phải đi từ giai đoạn, về thực chất, là “Tiền TBCN” (ít nhất vài chục năm như đang tiếp tục diễn ra trong nước), sau đó mới “tiến” lên CNTB đế quốc (nửa thế kỷ nữa), rồi sau nhiều thất bại (như TB phương Tây trước đây) mới tỉnh ngộ để tham gia phấn đấu tiến tới CNTB Dân chủ (dự kiến 1 thế kỷ). Hiện nay, 2014, đối với trong nước, thì TQ vẫn đang ở giai đoạn Tiền TBCN, đối với ngoài nước thì TQ đã bắt đầu “nhảy cóc” đi vào giai đoạn CNTB đế quốc. Có kết quả lệch pha như vậy, chính là do “ý chí vươn lên đuổi kịp và vượt” ghê gớm của giới cầm quyền, bắt đầu từ Mao Trạch Đông. Theo quy luật thế giới, TQ cần trải qua một số thất bại mang tính quyết định, cái đó tuỳ tình hình lực lượng các bên trên thế giới, sau đó – theo đúng quy luật – có thể TQ mới bước vào giai đoạn CNTB Dân chủ như Mỹ hiện nay được. Nên nhớ: Thất bại của “Đại nhảy vọt” 1958 của Mao Trạch Đông chưa phải là thất bại của CNTB đế quốc Trung Quốc, mà mới là thất bại của “ảo tưởng” công xã nhân dân trong giai đoạn hướng theo chế độ XHCN.

Lịch sử trỗi dậy của những nước lớn không phải ở dân số đông, diện tích rộng, mà là ở chí hướng, ở sức mạnh trí tuệ, trình độ văn hóa xã hội của nhân dân, và tầm nhìn nhân bản của lãnh đạo nước họ. Một khi chí hướng đã bị đặt sai lệch, trí tuệ không đầy đủ, đạo đức lại yếu kém, thậm chi điên rồ, dã man… thì chẳng được chính nhân dân nước mình ủng hộ, nói gì có sức mạnh thật sự để sớm vươn lên thành “nước lớn vĩ đại”, có mô hình “dấn dắt” để được chúng ta tự nguyện chọn làm “Đồng minh chiến lược”.

Tuy nhiên, cần thấy trên đây chỉ là đạo lý nghiêm chỉnh, là tư duy của những người có thần kinh bình thường. Còn TQ là một nước lớn sát ngay biên giới và biển đảo với VN, từ ngàn xưa đã nhiều lần xâm chiếm VN, nay rất muốn chi phối, bắt VN thành thuộc quốc, phên dậu cho họ, dắt mũi được lãnh đạo VN nhiều năm dài, nên VN không thể không tính đến, không thể không đề phòng tình hình bất trắc đối với một TQ “đồng chí” dởm như vậy, khi họ bị VN gạt ra khỏi “vị trí” vẫn muốn có của họ. Để khắc phục sự lo lắng, băn khoăn, dẫn đến lưỡng lự, mâu thuẫn nội bộ, bỏ lỡ cơ hội mà chính TQ và Thế giới đã mở ra cho VN nắm lấy, thì chúng ta cần trước hết phải dũng cảm thuyết phục, loan báo được cho toàn dân, toàn đảng và bạn bè thế giới biết về bản chất cái Gốc của vấn đề như đã trình bày ở trên.

Cuối cùng, nếu có lo rằng, liệu Mỹ có duy trì lâu dài được vai trò “đứng đầu thế giới”, thì đó là một tư duy chiến lược nghiêm chỉnh, nhưng cái đó không chỉ phụ thuộc chính vào nước Mỹ. Nếu TQ chẳng hạn, sau này sẽ vươn lên đạt tiêu chuẩn, chúng ta sẽ lại đem ra xem xét và điều chỉnh sự lựa chọn đồng minh chiến lược số 1 của mình. Cái khó cho VN trong việc hoán đổi đồng minh chiến lược hiện nay là TQ thì không muốn VN từ bỏ đồng minh số một với TQ, để TQ có thể tiếp tục thực hiện Dân chủ chiều dọc tới VN (như Dương Kiết Trì vừa mới thực hiện, sang chỉ thị cho lãnh đạo VN nhưng không dám công khai cho nhân dân biết), còn VN thì cần dũng cảm thực thi Dân chủ chiều ngang đầy đủ để nhân dân Mỹ cho phép chính phủ Mỹ nhận VN là đồng minh chiến lược. Vì vậy, đây chính là cái Gốc cực kỳ quan trọng hàng đầu trong quan hệ quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ đất nước chính nghĩa của VN, mà chúng ta phải nắm được.

Tóm lại, chúng ta vẫn chân thành hữu nghị với nhân dân TQ, chúc họ sẽ sớm đạt danh hiệu mà họ mong muốn là “Quốc gia hàng đầu” và tham gia “dẫn dắt thế giới”, nhưng tại giai đoạn này, nhân dân ta cần cương quyết, cố gắng, dứt điểm tiếp nhận thời cơ trăm năm có một và những tư vấn chân tình của bạn bè quốc tế để chọn một đồng minh chiến lược số 1 của mình, đó là Hoa Kỳ - nước đứng đầu CNTB Dân chủ, đương kim siêu cường thế giới.

Mặt khác, cũng rất mong muốn thế giới sẽ từ bỏ “Mô hình” độc cực một siêu cường đứng đầu, phấn đấu để toàn cầu trở nên đa cực nhiều siêu cường, từ đó thế giới sẽ có thể tồn tại cân bằng trong hòa bình dân chủ và văn minh.

Hà Nội, ngày 28 tháng 7, năm 2014

V.D.P.

Chú thích: Đây là phương án sơ bộ (dự thảo) về “chọn Đồng minh”. Nếu ai có thời gian và quan tâm, xin đưa ra phương án “chọn Đồng minh” tốt hơn để nhân dân và chính quyền tham khảo, chắc chắn sẽ được mọi người hoan nghênh.

Phụ lục

(*) Xin giải thích rõ, đi từ hình ảnh cực đoan để diễn tả:

Dân chủ theo chiều ngang điển hình đầu tiên là dân chủ tại một cái chợ thời xã hội hoang sơ, Dân làm chủ thật sự, nhưng tự phát, thiếu kỷ cương, đôi khi hỗn loạn. Bây giờ Dân chủ chiều ngang đã tiến tới Dân làm chủ có tổ chức, cạnh tranh đa nguyên, đa đảng, nhà nước pháp quyền, thị trường tự do có kiểm soát và xã hội dân sự lành mạnh.

Dân chủ theo chiều dọc từ trên xuống, điển hình nhất là chế độ tù trưởng, lãnh chúa, vua quan đứng đầu, vương triều chỉ đạo, có tham khảo ý kiến một số thần dân. Sau đó nâng cao bằng học thuyết Khổng Tử, Đến bây giờ là độc đảng toàn trị, có “bầu bán dân chủ” dưới sự “lãnh đạo liên tục của một đảng “sáng suốt” độc quyền duy nhất”.

Thực ra hiện nay, thể chế dân chủ tự do đa nguyên phương Tây là đã có kết hợp nhuần nhuyễn Dân chủ chiều dọc với Dân chủ chiều ngang rồi. Cụ thể là, Dân chủ chiều ngang dùng để toàn dân lựa chọn Thể chế, Hiến pháp, và lựa chọn tự do công bằng một đảng cầm quyền vừa ý nhất theo nhiệm kỳ, sau khi Dân đã dân chủ chiều ngang lập ra Hiến pháp và chọn ra một đảng cầm quyền rồi, thì đảng đó được quyền thực hiện Dân chủ chiều dọc theo quyền lực tập trung trong phạm vị một hoặc hai nhiệm kỳ. Nếu nhân dân thấy chưa ổn ở chỗ nào thì lại thực hiện Dân chủ chiều ngang để tìm cách sửa chỗ đó, tức là sửa Hiến pháp, hay thay đổi, lật đổ thủ lĩnh đảng đang cầm quyền.

Hiện nay, chính nhân dân TQ, và Đảng CSTQ cũng rất băn khoăn, dao động về cái khái niệm thể chế CNXH hay CNTB. Người ta nói, Trung quốc đang là “đầu Ngô, mình Sở”. Có nghĩa đầu thì vẫn muốn tự gọi là, hay phấn đấu để đi theo (định hướng) XHCN đặc sắc TQ “Dân chủ chiều dọc”, nhưng mình và chân tay thì đã hoạt động theo cái thể chế TBCN rồi, cụ thể nhất là TQ đang thuyết phục các nước tư bản “công nhận TQ có cơ chế thị trường đầy đủ”; Xã hội dân sự thì đã phát triển tràn lan “khắp hang cùng ngõ hẻm” và “chiếm lĩnh không gian mạng” rồi (hai cái thứ mà CN Mác – Lê “kỵ” nhất, ghét nhất). Còn Mỹ thì, nói ngắn gọn là: Sau nhiều thất bại nặng nề do tư tưởng đế quốc mới phát sinh, với thái độ huênh hoang, ngạo mạn, chủ quan do địa vị “siêu cường độc cực” trên thế giới mang lại, nay, sau nhiều lần thất bại, và trước sự giác ngộ và áp lực của toàn dân và thế giới, nước Mỹ đã và đang chuyển từ CNTB đế quốc trở về CNTB dân chủ đúng như “Tuyên ngôn lập nước” và Hiến pháp Dân chủ của Mỹ bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama (như “Tìm lại giấc mơ Mỹ”). Như vậy, để khách quan, và để dùng đúng cái chuẩn khái quát nhất của phát triển, tức là nhận dạng cho đúng cái tương lai “sẽ” đến của thể chế chính trị, cái mà các nước đang quan tâm so sánh rõ nhất trong cạnh tranh là “Mô hình phát triển”. Chúng ta nên đem “Mô hình phát triển” của Mỹ và “Mô hình phát triển” của Trung Quốc hiện nay và cách thức họ đang triển khai đã trình bày ở trên ra để xem xét là tiện nhất.

(**) Nếu so sánh với Bồ Đào Nha khi trỗi dậy trở thành “nước lớn” ở thế kỷ 16, đất đai chỉ có 92 ngàn km2, với dân số hơn 1 triệu người. Hà Lan nước nhỏ làm nên nghiệp lớn, đứng đầu thế giới ở thế kỷ 17, khi dân số Hà Lan chỉ có 1,7 triệu người. Sau đó đến nước Anh, một đảo quốc không lớn, dân số mấy chục triệu người, vậy mà cũng đứng đầu thế giới suốt 2 thế kỷ. Nước Mỹ có diện tích và dân số vừa phải, mới lập quốc vài trăm năm, nhưng họ đã trở thành một đất nước vĩ đại của thế kỷ XX.

(***) Matteo Ricci, một nhà nghiên cứu phương Tây đã lục lọi trong tàng thư của TQ và ghi chép lại: “Trước kia TQ chỉ là một nước nhỏ”, nằm quanh khu vực Bắc Kinh hiện nay, với Vạn lý trường thành để bảo vệ phía Tây chỉ cách Bắc Kinh mấy chục cây số. “Khi đó, phía đông TQ có 3 nước, phía tây có 53 nước, phía nam có 55 nước, phía Bắc có 3 nước, vị chi là 114 nước”. Vậy nếu quả thật TQ là một nước tồn tại hòa bình có văn hóa, thì tại sao đến bây giờ chung quanh TQ lại còn lại chỉ có 8-9 nước như đang thấy? Không phải ngẫu nhiên Bà Mac Kell đã tặng Ông Tập Cận Bình một tấm bản đồ cổ, trong đó TQ chưa có đất Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng, Hải Nam và Đài Loan…, đương nhiên càng chưa có Hoàng Sa và Trường Sa.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn